Người viết: Quách Trọng
Hồ Biểu Chánh là nhà văn nổi bật của Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX. Đọc văn của ông người ta sẽ dễ nhận ra nhà văn đã sử dụng từ ngữ bình dân một cách rất tự nhiên, phản ảnh trung thực tâm tình và tâm lý của người dân Nam Bộ, nhờ đó các sáng tác của ông rất gần gũi với người đọc.
Bên cạnh những đóng góp to lớn của nhà văn Hồ Biểu Chánh cho nền văn học nước nhà và cho lối sống đạo đức trong bối cảnh giao lưu văn hoá Á-Âu thì cũng có một số thông tin ít người biết, trong khi những thông tin này sẽ giúp ta có được một cái nhìn tổng quan hơn về con người và sự nghiệp của nhà văn. Dưới đây là 05 trong số những thông tin đó.
GIÁM ĐỐC TOÀ SOẠN HỒ VĂN TRUNG
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Hồ Biểu Chánh vẫn được nhắc đến như một nhà viết tiểu thuyết chuyên nghiệp. Ông cũng biên soạn kịch, viết khảo cứu. Nói chung thì Hồ Biểu Chánh vẫn được nhắc nhiều đến trong tư cách người làm nghệ thuật; nhưng ít người biết ông cũng từng làm báo. Thực tế thì Hồ Biểu Chánh đã từng viết báo và với tên thật của ông – Hồ Văn Trung – được nhắc đến trong vai trò giám đốc hai tờ báo, là Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt tập chí.
Tờ Đại Việt tập chí ra số đầu tiên vào năm 1918. Tờ Đại Việt tập chí và tờ An Hà báo là 2 tờ báo phát hành sớm nhất ở miền Tây Nam Bộ. Tờ này là cơ quan ngôn luận chính thức của Long Xuyên Khuyến học hội, do chính Hồ Biểu Chánh và trí thức địa phương cùng lập. Nhiệm vụ đầu tiên của tờ báo này là khuyến học, cụ thể là truyền bá các tư tưởng tiến bộ trên thế giới, muốn quốc dân tấn hoá.
Tờ Nam Kỳ tuần báo, dưới sự bảo trợ của Pháp, ra số đầu tiên ngày 3.9.1942 và số cuối cùng in ngày 15.6.1944. Tờ này đã đóng góp một lượng lớn bài vở phác họa phần nào các sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào các vùng miền, những nét độc, lạ và đa dạng. Về mặt chính trì, tờ này có khuynh hướng thân Pháp. Về mặt văn hoá, tờ này nuôi lấy chủ nghĩa chấn hưng luân lí tổ tiên, bồi bổ nền văn hoá Việt Nam.
HỒ BIỂU CHÁNH CÓ DUYÊN VỚI TIỂU THUYẾT PHÓNG TÁC
Tiểu thuyết phóng tác là tiểu thuyết lấy lại cốt truyện của một tiểu thuyết gốc, nhưng với một bối cảnh và hệ thống nhân vật khác; thậm chí cốt truyện có thể thay đổi ít nhiều. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng là một tác phẩm phóng tác. Nhà văn Hồ Biểu Chánh là nhà văn hiện đại đầu thể kỷ XX thành công với thể phóng tác. Dưới đây là một số tác phẩm nổi bật của ông:
“Ngọn cỏ gió đùa” dựa theo tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victor Hugo. Theo giáo sư Nguyễn Văn Trung, “ngoài cái cốt truyện lấy lại của Hugo, tất cả câu chuyện từ khung cảnh lịch sử, tâm lý tư tưởng nhân vật đều thuần túy Việt Nam. Một số nhân vật chính của Victor Hugo được giữ lại dĩ nhiên là với những tên Việt Nam nhưng được lưu ý, đề cao, nhấn mạnh một cách khác, một số nhân vật chính khác bị bỏ quên hoặc lại được thêm vào. Việc đề cao, nhấn mạnh hay bỏ quên, đều nằm trong chủ đích của Hồ Biểu Chánh dựng nên một câu chuyện theo những chủ đề tư tưởng văn hóa Việt Nam.”
“Cay đắng mùi đời” dựa theo tác phẩm “Vô gia đình” của Hector Malot. Hồ Biểu Chánh chỉ lấy cốt truyện của Hector Malot, giữ một số nét chính, bỏ một số nét chính khác, thêm bớt một số nhân vật, đặt câu chuyện vào khung cảnh hoàn toàn Việt Nam, với những chủ đề tư tưởng khác hẳn.
MỘT TRUYỆN THƠ ĐỘC ĐÁO CỦA NHÀ VĂN HỒ BIỂU CHÁNH
Hồ Biểu Chánh được biết đến nhiều nhất như một nhà văn viết tiểu thuyết, và ít ai ngờ được trong số các sáng tác đầu tiên của nhà văn có một truyện thơ – đó là tác phẩm “U Tình Lục”, giới thiệu lần đầu vào năm 1913. Với 1790 câu lục bát, “U Tình Lục” kể lại mối tình buồn, éo le giữa Lâm Cúc Hương và Lê Tấn Nhơn. Tác phẩm là một trong những “chiếc gạch nối” giữa truyện thơ và tiểu thuyết, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Khác với nhiều truyện Nôm thường lấy bối cảnh là đất nước Trung Hoa thì trong “U Tình Lục”, Hồ Biểu Chánh lấy bối cảnh và nhân vật của câu chuyện là ở mảnh đất Gò Công vào những năm 1880. Cuốn “U Tình Lục” không chỉ mang đặc điểm văn chương Nam Bộ với những chữ đặc chất của vùng lục tỉnh, mà còn là một mô tả về hoàn cảnh xã hội dưới thời Pháp thuộc và cách ứng xử của người thời cuối thế kỷ 19 và đầu 20.
Trong quyển này, Cụ Hồ Biểu Chánh dường như là người đầu tiên nêu tư tưởng nữ quyền tại Việt Nam, đòi các quyền xã hội bình đẳng cho phụ nữ – tới mức độ, ngay bây giờ, cũng sẽ có nhiều bậc ba mẹ không hài lòng.
AN TẤT VIÊN – NƠI AN NGHỈ CỦA NHÀ VĂN HỒ BIỂU CHÁNH
Nhà văn Hồ Biểu Chánh sinh ngày 01/10/1885 tại Gò Công, Tiền Giang và qua đời ngày 04/9/1958 tại Gia Định. Sau khi ông qua đời, con cháu đã đắp mộ cho ông tại khuôn viên của tư gia ở quận Gò Vấp. Hiện nay nơi này được gọi là An Tất Viên, toạ lạc ở cuối hẻm 30 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp.
Trên phần mộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh có khắc ghi tên một số sáng tác của ông. Bên cạnh phần mộ ông là phần mộ vợ ông, bà Hồ Biểu Chánh, nhũ danh là Đào Thị Nhụ.
Phòng lưu niệm nhà văn Hồ Biểu Chánh do con cháu ông xây vào năm 2003. Trong đây đặt bức tượng bán thân nhà văn, hai tủ sách cất các tác phẩm của nhà văn được in lại sau này. Theo chú Trần Quốc Oai, là cháu cố nhà văn, người hiện trông coi An Tất Viên, thì nhà văn sáng tác cả thảy 63 cuốn tiểu thuyết, nhưng hiện chỉ còn 47 cuốn; số còn lại đã bị thất lạc do người con cả của nhà văn là ông Hồ Văn Kỳ Trân đã mang sang Mỹ. Ngoài ra, trong phòng lưu niệm có treo một đoạn trích từ thư nhà văn gửi các con. Đoạn đó như sau:
“Ba nói với các con rằng sự nghiệp của ba còn lại cho các con hiện thời chỉ có một tấm gương thẳng ngay và trong sạch mà thôi. Ba ước mong các con noi theo tấm gương ấy mà lập thân. Theo con mắt của người đời nay … thì tấm gương ấy dường như mất giá. Nhưng nếu con ngó xa ra một chút thì con sẽ thấy phú quí tuy rực rỡ ít vững bền, còn đạo đức tuy im đềm song vui vẻ…”
ĐẠO DIỄN PHIM CÓ DUYÊN VỚI TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum rất có duyên với việc cải biên nhiều tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh thành các bộ phim truyền hình nhiều tập. Ông đã từng thành công với một số bộ phim như Con nhà nghèo, Nợ đời, Tơ hồng vương vấn, Ngọn cỏ gió đùa, Lòng dạ đàn bà, Tân Phong nữ sĩ, Lỗi đạo cang thường… Khi cải biên, đạo diễn không chỉ cố gắng đưa lên màn ảnh những giá trị mang tính hơi thở thời đại trong văn chương Hồ Biểu Chánh, mà còn nỗ lực lồng ghép vào đó nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội hiện đại. Nhưng cái cốt cách, cái tinh anh của con người Nam Bộ nói riêng, con người Việt Nam nói chung vẫn được thể hiện rất đậm nét và sinh động.
Bộ phim Hồ Biểu Chánh mới nhất mà ông Hồ Ngọc Xum làm đạo diễn (phát sóng từ 16/5/2023) là “Gieo nhân”, được cải biên từ 2 tác phẩm “Bỏ vợ” và “Bức thư hối hận” của nhà văn Hồ Biểu Chánh.