BÀI VIẾT DỰ THI “SÓT.RÓT CHO ĐẦY” #1 – “CHIẾC XE ĐẠP BỊ MẤT CẮP” HAY MỘT DI SẢN BỊ BỎ QUÊN?

BÀI VIẾT DỰ THI “SÓT.RÓT CHO ĐẦY”

“CHIẾC XE ĐẠP BỊ MẤT CẮP” HAY MỘT DI SẢN BỊ BỎ QUÊN?

Tác giả: Huỳnh Quốc Cường

 

Sau khi thấy thông tin top 100 cuốn sách hay thế kỉ XXI, mình đã tự hỏi vì sao cuốn sách “Chiếc xe đạp bị mất cắp” của Ngô Minh Ích sáng tác năm 2015 lại không xuất hiện trong bảng xếp hạng đó? Phải chăng đó là một di sản đẹp trong văn chương bị bỏ quên rồi sao?

Di sản của kí ức – nguồn chảy riêng trong dòng mạch chung

Ngô Minh Ích đã bắt đầu câu chuyện của mình bằng hành trình tìm kiếm chiếc xe đạp “Hạnh phúc”, trong hành trình đi tìm kiếm đó nhà văn đã để nhân vật người con trai đi ngược về dòng chảy của lịch sử. Tìm kiếm những điểm giao nhau trong kí ức để nhớ về hình ảnh của người cha thân thuộc, tiếp đó là đến với hành trình đời sống của đất nước Đài Loan qua từng năm tháng. Dõi theo cuộc hành trình, sẽ có lúc người đọc cảm thấy say mê trước vẻ đẹp của những loài vật khi nhân vật lạc trong rừng một mình, hay có lúc lại xuôi mái chèo ngược dòng lịch sử để tìm kiếm chúng ta trong kí ức về chiến tranh. Chủ đề về kí ức không quá xa lạ với người đọc trên thế giới, ta có thể bắt gặp chiến tranh Trung – Nhật trong Biên niên kí chim vặn dây cót của Haruki Murakami, cũng có lúc gặp lại phải sự chọn lựa giữa nhớ – quên khi đứng trước kí ức đau thương trong Người khổng lồ ngủ quên của Kazuo Ishiguro hay đời sống của Istanbul thông qua hình ảnh người bán boza ở Xa lạ trong tôi của Orhan Pamuk… Dòng mạch chung viết về kí ức đã được nhiều nhà văn khai thác, nhưng đến với văn chương của Ngô Minh Ích thì nó lại rất riêng, ông không tìm kiếm ở một vấn đề đại tự sự mà chỉ đi tìm một hạt nhân nhỏ là hình bóng của người cha thông qua chiếc xe đạp như đi tìm kiếm chút tia nắng ấm áp trong cuộc đời của mỗi người, để từ đó vẽ nên bức tranh đời sống của Đài Loan như một cách trả nợ ân tình cho mảnh đất ông gắn bó.

Nếu bạn thấy danh mục “100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21” của tờ The New York Times đã bỏ sót cuốn sách nào thì hãy tham gia cuộc thi viết “SÓT.RÓT CHO ĐẦY” để giới thiệu cuốn sách đó cho mọi người nhé!

 

Sự lộng lẫy của ngôn ngữ văn chương – sức hút với độc giả

Nếu đề tài là trục dọc để người đọc khám phá cuốn tiểu thuyết, được chỉ dẫn theo từng bước chân của nhân vật thì sự lộng lẫy của ngôn ngữ văn chương lại là trục ngang kết nối độc giả với tác giả. Giữa những khoảng trắng của ngôn từ, tâm trí người đọc được thả bay theo những khung cảnh mà tác giả miêu tả, có lúc là niềm vui trong tuổi thơ với bóng dáng của cha mẹ, có khi là nỗi buồn trong hành trình trưởng thành của nhân vật. Lắm lúc tôi thấy ngôn ngữ của tác phẩm đã tạo nên dấu ấn riêng khi văn chương hóa thành vòng xoay của bánh xe, tua tới để người đọc theo dõi hành trình tìm chiếc xe đạp Hạnh phúc hoặc tua ngược để ngắm nhìn phong cảnh đẹp đẽ của Đài Loan được ẩn sau ngôn từ. Xin trích một đoạn mình thấy khá hay trong sách để mọi người cảm nhận:“Ngón tay anh giữa khoảng lặng mang một nỗi bi thương trầm lắng và kín đáo, quả thực đã khơi dậy tiếng đàn xuyên suốt lục phủ ngũ tạng tôi. Sau khi nghe đến cuối phần trình diễn, tuy trong quán không khí vẫn ồn ào náo nhiệt nhưng cõi lòng tôi có một cảm giác trong veo, giống như có người cầm chổi chạy vào, quét dọn sạch sẽ tất cả những thứ tạp nham bên trong.” (trang 193)

 

Từ sách đến đời – hành trình của một chiếc xe đạp

Có thể thấy, văn chương Ngô Minh Ích nhẹ nhàng như một người chạy xe đạp, thong dong nhìn ngắm cảnh vật của cuộc đời, lặng lẽ sưu tầm những kiến thức về xe đạp hay đời sống để khắc họa vào tác phẩm của mình. Khi nhà văn viết về kí ức có nghĩa là tiếp nối sự đứt gãy trong suy nghĩ của con người. Làm thế nào để con người mạnh mẽ bước tiếp nếu họ không nhìn lại những bài học từ quá khứ? Sẽ ra sao nếu cuộc đời đầy thương tổn mà ta không có điểm tựa để dựa vào? Đi tìm di sản của kí ức bằng ngôn ngữ văn chương lộng lẫy, Ngô Minh Ích đã chạm vào một vấn đề của danh tính con người, họ đi tìm kiếm sự định danh trong căn cước bằng những mảnh vỡ kí ức. Đi tìm kiếm nó để biết được ta là ai, để bắc một chiếc cầu nối giữa hai bờ quá khứ và tương lai, còn ta là người chông chênh ở giữa hành trình ấy với hiện tại đầy hoang hoải. 

Tôi nghĩ rằng, việc Chiếc xe đạp bị mất cắp không lọt vào top 100 NYT đôi khi cũng là một cái duyên, nó cũng như cách đứa con tìm lại chiếc xe của người cha trong tác phẩm, còn ở thực tại thì người đọc tìm kiếm một vị trí thích hợp để đặt tác phẩm này vào! Phải chăng, đó là tình yêu được gửi trao từ trang văn đến đời sống…

Nếu bạn thấy danh mục “100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21” của tờ The New York Times đã bỏ sót cuốn sách nào thì hãy tham gia cuộc thi viết “SÓT.RÓT CHO ĐẦY” để giới thiệu cuốn sách đó cho mọi người nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp