BÀI VIẾT DỰ THI “SÓT.RÓT CHO ĐẦY”
“ĐỘC GIÁC”: TRIẾT LUẬN CHÂN THẬT VỀ CUỘC ĐỜI ĐA MÀU SẮC
Tác giả: Trần Nguyễn Phước Thông
“Độc giác” xứng đáng được xem là hay nhất thế kỷ 21 vì tính tự do thuần hậu trong từng câu văn và tính triết nghị đậm sắc trong quan điểm về vũ trụ mênh mông. Tác giả Hamvas Bela đã cho thấy tư tưởng rất riêng biệt của mình về bản chất con người, về sự từ bỏ và cho đi trong cuộc sống này. “Độc giác” là một quyển sách thấm nhuần tinh thần triết học, được tách thành ba phần riêng biệt bao gồm: “100 cuốn sách”, “Niềm cảm hứng” và “Độc giác”. Trong đó, phần “Độc giác” tựa như ánh sáng và linh hồn của tác phẩm này, mang màu sắc sáng tạo đầy thi vị của Hamvas Bela. Tiếp cận tôn giáo và tâm hình ở một hình thái rất riêng, và cũng phần nào thể hiện được tính cách đặc biệt của tác giả, có thể thấy mọi thứ ngắn gọn đến mức bất ngờ và hoàn toàn hữu dụng trên thực tế.
Phần “100 cuốn sách” như một bức họa đa màu sắc về khởi nguyên của tri thức đọc hiểu. Tác giả ví von nguồn cội của tri thức như một sự tồn tại vĩnh hằng ở bản nguyên thể của mỗi tinh hoa. Có thể hiểu rằng chỉ cần giữ lại những cốt lõi và nguyên bản thì mọi xu hướng khác đều có thể tái hiện lại. Cũng như mất đi tán lá, cành lá thì một gốc cây đại thụ vẫn có thể sản sinh những chi khác. Tầm quan trọng của sự tồn tại tự thân được nhắc đến như một sự lựa chọn đầy ý nghĩa. Như một phép ước lượng so sánh thâm diệu, việc đọc quyển sách này cũng giống như một sự khôn ngoan trong cách lựa chọn tri thức của bạn. Sự ví von chiếc bóng hòa vào bóng đêm nhưng vẫn giữ được sinh khởi và sắc thái riêng cho thấy trí tuệ luôn có sức sống mãnh liệt và bản sắc độc lập dù bị chôn vùi ở bất kỳ hoàn cảnh tăm tối nào. Tựu trung lại, Hamvas Bela muốn nhắc đến văn hóa nhân loại ở thời kỳ cổ xưa cần được lưu giữ, tựa như Kinh Thánh hay Tử Thư đều phải trân quý muôn đời. Điều này không bài xích với văn học hiện đại mà là một mệnh đề riêng cho việc lưu truyền những giá trị cổ.
Phần “Niềm cảm hứng” mang đậm yếu tố tôn giáo nhằm dung hòa nhiều nền tư tưởng trong lòng tác giả. Sự siêu nhiên và ý thức của con người luôn có một mối gắn kết nhất định và rõ ràng là nếu con người dùng hết chân tâm để cảm nhận thì sẽ tìm thấy sự kết nối ấy. Bản chất của niềm tin cũng tương tự như vậy, toàn tâm toàn ý sẽ thấy tin tưởng, ngược lại thì chẳng thấu cảm được điều gì. Lấy câu nói của Lão Tử là: Trở thành trẻ sơ sinh và trở thành nhà thông thái như nhau – Điều này cho thấy sự khởi đầu và chặng kết thúc vốn dĩ không khác nhau về mục đích và nền tảng cơ bản. Tuy nhiên, một lưu ý nho nhỏ từ tác giả là ở giữa chặng hành trình tri thức và ngộ đạo, đâu đó chúng ta sẽ gặp phải sự phức tạp và biến thiên. Tóm lại, ở phần này, mượn Triết học Phương Đông, Hamvas Bela muốn nhắc đến sự tỉnh thức và hành động của con người. Niềm cảm hứng, sự sáng tạo và quá trình thăng hoa ở mỗi khoảnh khắc chính là chìa khóa để con người sống và hành động có ý nghĩa. Tỉnh táo để sống, để yêu thương và hướng đến hạnh phúc đích thực sẽ nâng cao đời sống tinh thần của bất kỳ ai tin vào sự hài hòa và thiêng liêng của vũ trụ. Độc đáo thay, tác giả đãliên kết niềm cảm hứng này thông qua việc thiền định vì mục đích của thiền là kéo bạn ra khỏi sự nhiễu nhương u tối của tâm hồn.
Phần “Độc giác” là phần cuối cùng, gói trọn tinh thần của cả quyển sách. Từ những mẫu đối thoại ngắn đến quan điểm và tư tưởng của tác giả về những chủ đề đã được trình bày ở hai phần trước đó như tính siêu nhiên, sự tương quan giữa tính sáng tạo và tự do. Nhấn mạnh đến sự sáng tạo và vẻ đẹp bên trong, tác giả tin rằng sự chân thật và khai phá là khởi nguyên của cảm hứng. Vốn dĩ đời sống của con người rất bình thường và nếu thiếu đi những giây phút thả hồn ấy thì chắc chắc sẽ không bao giờ sản sinh ra thứ gọi là “đời sống tinh thần cao cả”. Như một phép đảo mệnh đề đầy tài tình, tác giả quan niệm rằng một con người vĩ đại là hiện thân của sự sẻ chia và truyền bá tri thức phổ quát đến mọi người. Như vậy, “độc giác” của mỗi cá nhân tuy đơn độc nhưng không hề suy tưởng về chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.
Tờ The New York Times có thể đã bỏ sót “Độc giác” trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21. Phải chăng là vì quyển sách này tuy hay nhưng khó đọc? Tôi tin rằng tính văn chương hoàn lẫn với chất triết học của “Độc giác” là liều thuốc tinh thần quý giá cho bất kỳ độc giả nào đang tìm những triết luận cho đời mình thông qua những câu văn sâu sắc. Thậm chí, có lúc đọc xong rồi mà vẫn cảm giác chưa hiểu được hết ý tác giả, lại lấy ra đọc lại một phần nhỏ nào đó.