BÀI VIẾT DỰ THI “SÓT.RÓT CHO ĐẦY”
“NGƯỜI BÀ TÀI GIỎI VÙNG SAGA”: BÌNH DỊ MÀ TRIẾT LÍ, SÂU SẮC MÀ THOÁNG ĐÃNG TÂM HỒN
Tác giả: Trương Phạm Ngọc Thuý
Sách hay không chỉ xét về nội dung, cách truyền tải thông điệp mà yếu tố không thể thiếu để đọc giả nhận định về giá trị mà quyển sách đó đem lại chính là mạch cảm xúc. Có những tác phẩm được viết với ngôn từ và nội dung bên trong hết sức bình dị, thế nhưng lại đem đến cho độc giả cảm giác tìm lại những gì mình bỏ quên, tìm lại những gì to lớn đã đánh mất cũng như tìm lại được bến đỗ của tâm hồn. “Người bà tài giỏi vùng Saga” chính là tác phẩm đã “thực hiện” điều đó với bản thân tôi bởi tính hiện thực mà nó mang lại.
“Người bà tài giỏi vùng Saga” của tác giả Yoshichi Shimada được viết năm 2004, kể về cuộc sống thời thơ ấu của tác giả cùng bà ngoại ở vùng quê Saga xa xôi của Nhật Bản. Lấy bối cảnh nước Nhật ở Thế chiến thứ 2, thành phố Hiroshima đang phải chịu tổn thương nặng nề do trái bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống. Hiroshima giờ đây trở nên hoang tàn, đổ nát và nghèo khó vô cùng. Tuy nhiên, có một nơi mà khi đó còn nghèo khó và đổ nát hơn cả Hiroshima, đó chính là Saga. Trong hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn cậu bé Tokunaga Akihiro đã bị mẹ “đẩy” về quê sống với bà. Luôn có những cú đẩy quan trọng trong cuộc đời mỗi người, và “cú đẩy” (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) với Akihiro ở sân ga Hiroshima hôm ấy đã khiến cuộc đời cậu thay đổi hoàn toàn. Bên cạnh đó, hình ảnh người bà của tác giả cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người đọc.
Nếu nói đây là tác phẩm dành cho thiếu nhi thì cũng không hẳn, bởi lẽ dù ở độ tuổi nào cũng nên đọc qua. Người trưởng thành thì cũng là “những đứa trẻ lớn xác” mà thôi. Đôi khi cuộc sống bộn bề, ta cứ mãi loay hoay với những gì cao cả mà quên đi những điều xung quanh, quên đi những giá trị hạnh phúc. Tác giả đã dùng chính tuổi thơ của mình mà tạo nên tác phẩm nên mạch cảm xúc khiến người đọc cảm nhận một cách chân thật. Yoshichi Shimada đã sử dùng ngôn từ hết sức bình dị, những hoạt động sinh hoạt hằng ngày ở vùng quê xa xôi hẻo lánh, miêu tả một cách chân thực và sâu sắc cuộc sống của hai bà cháu. Từng chi tiết, từng cảnh vật và từng nhân vật đều được khắc họa rõ nét, mang lại cho người đọc một cảm giác sống động và gần gũi. Hình ảnh người bà tảo tần, dù hoàn cảnh có khó khăn thiếu thốn, nhưng với ký ức của tác giả, người bà trở nên đáng yêu bởi sự lạc quan, sự sành sỏi trước những bế tắc trong việc lo cơm áo gạo tiền. Không chỉ tạo cho tác phẩm trở nên dí dỏm, người bà còn là nguồn cảm hứng, là chỗ dựa tinh thần cho tác giả cũng như bản thân người đọc khi đọc tác phẩm, bởi sự lạc quan ấy đã phá tan sự nghèo khổ, ảm đạm mà hầu hết các tác giả cùng chủ đề vùng quê nông thôn nghèo hướng đến. Như trong truyện người bà có nói với cậu bé: “Nhà mình nghèo vui vẻ”. Thêm những yếu tố làm nên sự thu hút của tác phẩm, đó chính là những câu nói để đời của bà ngoại. Chẳng hạn: “Sống thú vị lắm. Hãy tìm cách tận hưởng, thay vì chỉ chú ý tới vẻ bề ngoài”. “Lòng tốt, sự tử tế thực sự là khi ta không để ai nhận ra việc mình làm”. “Hạnh phúc không phải là thứ được định đoạt bằng tiền. Hạnh phúc phải được định đoạt bằng tâm thế của mỗi chúng ta”. Lời bà nói vô cùng nhân văn, nhưng cách bà nói với cậu bé hết sức gần gũi, bình dị, tự nhiên khiến độc giả yêu vô cùng.
“Người bà tài giỏi vùng Saga” là một cuốn sách đáng đọc cho những ai yêu thích những câu chuyện về gia đình, về cuộc sống nông thôn, với nhân vật đầy ấn tượng và những thông điệp ý nghĩa, cuốn sách này không chỉ mang đến một trải nghiệm đọc thú vị mà còn giúp tưới mát tâm hồn, đôi khi tìm lại được bản ngã của chính mình. Đến nay đây vẫn là quyển sách yêu thích của tôi dù đã đọc qua rất nhiều lần bởi lẽ sự dễ thương của nó cũng như đem lại cho tôi cảm giác thoải mái nơi tâm hồn. Tóm lại thì đây là một cuốn sách rất hay và rất nên đọc. Không chỉ bởi ý nghĩa tác phẩm truyền tải, mà còn vì niềm tin mà mỗi chúng ta đang có về định nghĩa của “nghèo khó” và “hạnh phúc”. Thật tiếc khi danh sách 100 quyển sách hay nhất thế kỷ 21 lại thiếu đi “Người bà tài giỏi vùng Saga”.