BÀI VIẾT DỰ THI “SÓT.RÓT CHO ĐẦY”
“PHẢI TRÁI ĐÚNG SAI” GIỮA THỜI ĐẠI TƯƠNG ĐỐI
Tác giả: Mạnh Thông
“Quyết liệt, dễ hiểu và đầy tính nhân văn” là những mĩ ngữ tờ Publisher Weekly dành cho tác phẩm “Phải trái đúng sai” (nguyên tác là Justice: What’s the Right Thing to Do?) của giáo sư triết học Michael Sandel. Và đối với những ai đã đọc cuốn này của ông thì chắc cũng phải gật gù rằng nói như thế không hề ngoa và không chút cường điệu nào. Ba tính từ ấy, cùng với chủ đề nhức nhối mà cuốn sách thảo luận, đã đủ để cuốn sách nên được xem là một trong những cuốn sách hay nhất thế kỷ 21.
Ngay tựa đề của sách đã cho thấy được tình thế lưỡng nan của những gì sẽ được bàn luận trong sách. Cuốn sách này trước tiên và sau hết là bàn về công lý, một công lý bị chi phối bởi thị trường, bởi công ích, bởi các chính sách, v.v. và bởi tất tần tật những gì hiện hữu trong cuộc sống con người. Công lý không phải là một vấn đề mới trong các khảo luận hay bài giảng triết học, nhưng cách riêng ở thời này, khi mọi thứ bị tương đối hoá, thì câu chuyện về công lý lại trở nên nhức nhối hơn cả. Sự lưỡng nan của thời đại nằm ở đây: khi xã hội chịu tác động bởi các làn sóng tương đối hoá thì công lý liệu có còn tồn tại; nói cách khác, liệu các tiêu chuẩn phải-trái-đúng-sai có còn đúng khi mọi thứ đều là phù hợp và không phù hợp?
Đứng trước vấn đề đó, Michael Sandel đã quyết liệt đề cập một cách trực diện nhiều vấn nạn trong xã hội hiện đại: Bán thận, mang thai hộ, trợ tử, ăn thịt người khác để duy trì sự sống ngàn cân treo sợi tóc của mình, đánh thuế người giàu để giúp người nghèo, v.v. liệu có vi phạm đạo đức không? Công lý không chỉ là tính luân lý đúng-sai của một hành vi, mà còn là chuyện phân phối sự công bằng xã hội: Có nên có chế độ ưu tiên cho một số đối tượng học sinh không; có nên đổ đồng điều kiện học tập cho mọi đối tượng, kể cả những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội? Các vấn đề này được đề cập một cách trực diện và quyết liệt, cho thấy rằng xã hội hiện đại, tuy tự xưng là dân chủ và văn minh, vẫn đầy rẫy những bất công và dối gạt. Rõ ràng, khi để mình đối mặt với những tình huống do Michael Sandel đặt ra trong sách, ta sẽ thấy chuyện phải-trái đúng-sai thật không dễ phân định.
Sự bối rối của chúng ta cũng là sự bối rối của nhiều triết gia. Cũng như chúng ta, mỗi triết gia sẽ tiếp cận vấn đề trên theo những cách khác nhau, và không phải cách tiếp cận nào cũng dễ dàng và khả thi. Trong sách này, Michael Sandel đã gọi tên các thế lưỡng nan của xã hội hiện đại như thuyết vị lợi, chủ nghĩa cá nhân tự do, động cơ, lý lẽ bình đẳng, v.v.; đồng thời dẫn lại các học thuyết đạo đức học của Aristotles, John Raws, Immanuel Kant, John Stuart Mill, v.v. như một quy chiếu để phân tích vấn đề. Tuy vậy, những gì Michael Sandel trình bày không như kiểu tung hoả mù bằng các thuật ngữ hàn lâm hay bằng các biện giải trừu tượng, nhưng lại rất gần gũi và dễ hiểu. Dĩ nhiên đó không phải là sự dễ hiểu của một thái độ dễ dãi, làm đơn giản hoá mọi sự đến mức bỏ sót hoặc cố tình bỏ quên nhiều khía cạnh của vấn đề. Đó là sự dễ hiểu trong tính tường minh của các ví dụ thực tế (đa phần được rút tỉa từ thực tế xã hội Hoa Kỳ), hay trong lời văn trong sáng và các biện luận khúc chiết của tác giả.
Sự phức tạp của vấn đề công lý-đạo đức, ngày nay, nhiều người giải quyết bằng cách này: không có đúng-sai, chỉ có phù hợp và không phù hợp. Diễn ngôn này xem ra có vẻ như đã giải quyết được sự lưỡng nan trong các vấn đề công lý-đạo đức. Nhưng chính diễn ngôn ấy khi gạt bỏ những tiêu chuẩn luân lý đúng-sai, lại đặt ra một hệ thống tiêu chuẩn khác, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính chủ quan: như thế nào là phù hợp, phù hợp với ai hay với cái gì, khi nào thì một điều không còn phù hợp nữa? Con đường này giản lược hoá cái vốn rất phức tạp, trừu tượng hoá cái vốn rất cụ thể, cảm tính hoá cái vốn cần đến sự biện phân của lý trí. Suy cho cùng, đó chỉ là một lời biện minh yếu ớt. Đó là còn chưa kể, chọn lựa đó xem ra chỉ là một kiểu nguỵ trang của chủ nghĩa cá nhân.
Michael Sandel không cổ suý chuyện đó, ông đề xuất một phương cách đầy tính nhân văn: suy ngẫm đạo đức. Mục tiêu sau cùng của những suy ngẫm đạo đức là tìm ra được cách hành động đúng. Và quá trình từ suy ngẫm đạo đức đến hành vi đạo đức đòi hỏi phải có sự quân bình giữa nguyên tắc đạo đức với trực giác đạo đức, giữa nguyên tắc và trực giác đạo đức của bản thân với nguyên tắc và trực giác đạo đức của người khác. Đó là nỗ lực của con người-cá nhân và của con người-nhân loại. Do đó, sự đối thoại đạo đức buộc phải có trong quá trình ấy.
Ngay chính cuốn “Phải trái đúng sai” cũng được Michael Sandel triển khai theo cấu trúc của những đối thoại đạo đức, cung cấp nhiều nguyên tắc và trực giác đạo đức. Xu hướng tương đối hoá mọi thứ nơi con người thế kỷ 21 có nguy cơ đẩy nhân loại đến bờ diệt vong (suy ngẫm hiện thực khốc liệt của mấy năm gần đây ắt sẽ hiểu). Nhưng giải pháp không phải là tuyệt đối hoá (như xu hướng đơn cực trước đây), mà là đa cực hoá trong các suy ngẫm, đối thoại và hành động đạo đức. Đó cũng là thông điệp cho con người thế kỷ 21. Vì câu chuyện nhân loại rất đơn giản thế này: chúng ta cùng sống và cùng tiến bước!