BÀI VIẾT DỰ THI “SÓT.RÓT CHO ĐẦY”
DU KÝ “NGƯỜI TÌNH HAVANA” GHI DẤU BƯỚC TRƯỞNG THÀNH VƯỢT BẬC CỦA MỘT NỮ PHƯỢT THỦ
Tác giả: Minh Minh
Đinh Hằng được biết đến là một travel blogger nổi tiếng qua 3 cuốn du kí: “Quá trẻ để chết – Hành trình nước Mĩ” (2015), “Chân đi không mỏi – Hành trình Đông Nam Á” (2016) và “Người tình Havana” (2020). Trong đó, “Người tình Havana” đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chị cả về lối viết lẫn lối sống.
Có 4 lí do khiến cuốn sách xứng đáng đứng trong “100 cuốn sách hay nhất thế kỉ 21” của The New York Times:
1. Cuốn cẩm nang du lịch về đất và người Cuba
Bằng sự quan sát tỉ mỉ, cặn kẽ của Đinh Hằng qua “Người tình Havana”, Cuba hiện lên vô cùng chân thực, sống động. Có một Havana nằm trên lằn ranh giữa xa hoa và nhếch nhác, hiện đại và nghèo nàn, lộng lẫy và điêu tàn,… giống như tính cách hai mặt của một con người. Tác giả từng thừa nhận: “Havana cũng giống như một người tình mà cả đời về sau tôi sẽ khó để quên…”
Havana quả thực là vùng đất xinh đẹp. Thế nhưng, giữa thế kỉ XXI hiện đại cùng thời đại 4.0, người đọc chợt ngỡ ngàng trước một Havana ở một chiều kích khác… Tất cả trải rộng ra trước mắt, khiến độc giả đồng cảm với sự mê mải và xót xa của tác giả dành cho vùng đất này.
Thủ đô Havana tuyệt vời đến thế còn con người Havana thì sao? Độc giả được dịp hiểu thêm về sự nhiệt tình, sôi nổi và yêu đời của những người dân Cuba. Sự yếu kém, nghèo nàn về kinh tế không thể lấn át lòng mến khách và tinh thần lạc quan của họ.
Đặc biệt, Đinh Hằng xoáy sâu vào cuộc tình với anh chàng Cuba gốc Tây Ban Nha đẹp trai, tài năng, tử tế. Sau 7 năm chia cách họ vẫn yêu đương nồng thắm như thuở ban đầu. Người đọc cảm thấy bị mê hoặc trước câu chuyện tình yêu đẹp đẽ của họ.
2. Quan niệm mới mẻ về người phụ nữ hiện đại
Qua“Người tình Havana”, Đinh Hằng đã góp phần nhỏ bé làm thay đổi những lối tư duy cũ, bày tỏ quan niệm rất độc đáo và đặc sắc xung quanh cuộc sống của người phụ nữ nói chung. Điều mà rất hiếm khi một người phụ nữ Việt Nam bình thường dám nghĩ, dám làm, dám chịu như Đinh Hằng đã từng quan niệm và trải nghiệm. Bởi, dường như nó thể hiện tư duy đột phá về bình đẳng giới.
Chương 5 của Người tình Havana với cái tên: “Tôi sẽ trở thành gì ngoài một phụ nữ tầm thường?” là một trong những chương hay nhất của cuốn sách. Nó trình bày những quan điểm mới mẻ, tiến bộ và độc đáo của tác giả trong vai trò là một người phụ nữ hiện đại sống ở thế kỉ XXI.
Tài sản duy nhất của người phụ nữ ấy là TỰ DO mặc dù biết cái giá của tự do là nỗi cô đơn. Người phụ nữ cá tính, mạnh mẽ và bất cần ấy đã tỉnh thức trong cuộc đời lẫn tình trường để định nghĩa táo bạo về tình yêu: “… học được cách yêu thương và trân trọng chính mình trước tiên…” cùng quan niệm về hạnh phúc và đàn ông: “… hạnh phúc và giá trị của một người phụ nữ không bao giờ xây dựng trên nền tảng của một người đàn ông … Họ không phải là mục tiêu phải đạt đến hay là một phần bắt buộc phải có trong đời chỉ vì chúng ta là phụ nữ”.
Quả là những quan điểm vô cùng đáng quý, độc đáo, góp phần làm phong phú thêm về quan niệm người phụ nữ sống trong thời đại mới!
3. Ngôn ngữ trần thuật hiện đại
Thành công của Đinh Hằng qua “Người tình Havana” là cách sử dụng ngôn ngữ trần thuật hiện đại với cảm hứng dạt dào, tự do. Cả đất và người đều tuyệt vời, quá sức tưởng tượng mặc dù có những góc khuất nhiều chua chát và đắng cay. Chúng được tái hiện qua những câu văn dài, miêu tả trong sáng, hình ảnh phong phú và bóng bảy với âm hưởng du dương, thiết tha.
Đinh Hằng tỏ ra là một cây bút xuất sắc khi biết cách sử dụng ngôn từ chọn lọc để miêu tả từ các công trình kiến trúc, từng góc phố, con đường,… nổi tiếng ở Havana đến cuộc sống phong phú của con người nơi đây từ ăn, mặc, ở, đi lại,…
4. Áng văn đong đầy cảm xúc
“Người tình Havana” là áng văn đong đầy những ý nghĩ, xúc cảm, tâm trạng riêng của tác giả về đất và người Cuba. Từng từ, từng câu, từng chi tiết, hình ảnh đều chất chứa sắc điệu tạo giọng điệu và âm hưởng từng câu văn. Chúng được tác giả chắt chiu, chọn lọc để diễn tả chân xác niềm thương nhớ và sự ngất ngây trước đất và người Havana từng khiến Đinh Hằng bao lần suy tư, trăn trở.
“Người tình Havana” tạo cho người đọc niềm hứng khởi khi được trải nghiệm cuộc hành trình thú vị đến với đất nước Cuba cũng như hành trình lột xác ngoạn mục của chính tác giả. Cuốn sách mang đậm chất cá tính Đinh Hằng và đóng góp cho thể loại du kí một tác phẩm giá trị. Vì ý nghĩa của nó vượt khỏi ranh giới dải đất xinh đẹp hình chữ S cùng hoà nhịp vào dòng chảy văn hoá nhân loại.