Từ khi biết nhận thức về thế giới xung quanh (nói kiểu bình dị là “có trí khôn”), mình đã được dạy và tiếp thu tư tưởng rằng “Thương cho roi cho vọt”. Đến giờ dù đã sống nửa đời người, mình vẫn chưa quên những trận đòn roi thời thơ ấu. Nhưng điều đọng lại trong lòng mình không phải là tình thương, mà là sự buồn bã và có cả phần tức giận, oan ức. Có lẽ chính vì cách dạy con “thương cho roi cho vọt” nên trong ca dao Việt Nam mới có lời những đứa trẻ năn nỉ cha mẹ như thế này:
“Má ơi đừng đánh con đau,
Để con bắt ốc hái rau má nhờ”.
Hồi nhỏ lúc bị đánh, mình không hề biết lấy ca dao ra để năn nỉ cha mẹ. Liệu khi nghe lời nài nỉ dễ thương này, những bậc phụ huynh có xót xa trong lòng mà chùn tay không đánh con nữa không? Ngày xưa, khi con hư, cha mẹ thương yêu con thì phải biết dạy dỗ con bằng cách đánh vào mông, dùng thước gỗ đánh lên lòng bàn tay, hoặc cốc đầu, véo tai. Lỗi nhẹ đánh ít, lỗi nặng đánh nhiều. Con đi học, gặp thầy dữ đòn thì cha mẹ càng thích!
Cha mẹ đâu biết rằng dạy con theo cách đó chỉ khiến con hoảng loạn tinh thần, đau đớn thể xác, có khi mang tổn thương tâm lý chứ không học được gì, không hiểu được tình thương của cha mẹ. Cha mẹ đánh con vì thương con, nhưng con cái chịu đòn đau thì tưởng cha mẹ ghét mình nên mới đánh thẳng tay, lúc nào cũng lạy van năn nỉ hết lời, bí quá thì kể lể đến lòng hiếu thảo của mình với cha mẹ.
“Má ơi đừng đánh con đau,
Để con bắt ốc hái rau má nhờ.
Má ơi đừng đánh con hoài,
Để con bắt cá hái xoài má ăn.”
Sống trong cảnh nghèo, cha mẹ lại càng xót xa và thêm lòng thương yêu con trẻ. Con nhà nghèo thường phải lăn xả vào đời sớm hơn con nhà khá giả. Nhà nghèo, nếu cha mẹ không “bắt phải làm” thì cũng có những đứa trẻ tự giác phụ giúp việc nhà từ khi tuổi còn nhỏ, lên tám lên mười đã biết quét tước nhà cửa, chăn gà nuôi vịt, nấu cơm làm bếp. Đây không phải cha mẹ không thương con, bắt con lao động vất vả, mà là dạy con sớm biết làm việc, tập cho con đức tính chịu thương chịu khó, để sau này lớn lên vững chãi đối mặt với sóng gió cuộc đời, không phải lâm vào cảnh đói khát túng nghèo.
Trong cuốn “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” của Sarah Imas mà mình từng đọc, tác giả người Do Thái này viết rất chi tiết về việc hướng dẫn trẻ con làm việc nhà từ khi còn rất nhỏ (3 tuổi), dạy trẻ con về mệnh giá của tiền, giá trị của sức lao động, và trả lương cho con cháu trong nhà khi chúng phụ giúp việc nhà. Nhưng mình không thấy nói gì đến chuyện “cho roi cho vọt”. Dường như trong các nền văn hóa phương Tây (tức là không phải phương Đông), do kiến thức về nhân quyền và quyền trẻ em sớm được phổ biến, nên chuyện đánh trẻ con là không được phép, dù là đánh để dạy dỗ răn đe.
Nếu không “động tay động chân” mà chỉ dùng lời nói, hành động để làm gương cho con trẻ, thì nhất thiết phải “cho ngọt cho bùi”, và ngọt bùi này hoàn toàn không phải là ghét. Theo kinh nghiệm sống ít ỏi của mình, “vừa đánh vừa xoa” là một thủ pháp thỉnh thoảng có thể dùng, không chỉ trong chuyện dạy con mà còn trong việc đối nhân xử thế. Đây không phải là dùng thủ đoạn để thao túng người khác, mà là biết uyển chuyển linh hoạt để dạy dỗ con cái cho hiệu quả. Ngọt bùi không phải toàn là nói ngọt hay cưng chiều hết mực, mà ngọt bùi là biết mềm mỏng khuyên răn, trong nghiêm khắc có thấu hiểu, trong cương có nhu. Phản ứng ban đầu thì trẻ có thể khóc ăn vạ, có thể chống đối, nhưng mưa dầm thấm lâu, từ từ con cái sẽ hiểu được lòng cha mẹ, đến lúc đó thì chuyện nuôi dạy con sẽ không còn là gánh nặng hay đau khổ, cha mẹ cũng sẽ yên tâm và tự hào vì đem đến cho đời thêm những con người biết sống tử tế, có ích cho xã hội.
Cha mẹ phương Đông, cha mẹ Việt Nam ngày xưa đánh con là vì thương con, nhưng con cái thường hiểu lầm là cha mẹ ghét bỏ mình. Cha mẹ yêu cầu con làm việc nhà là tập cho con tính chuyên cần, nhưng con cái lại tưởng là cha mẹ đày đọa mình. Tại sao có những chuyện hiểu lầm tai hại đó? Tất cả là do các bậc làm cha làm mẹ không biết cách giảng giải tường tận cho con hiểu về ý nghĩa hành động của mình. Nhưng mình nghĩ, nếu cha mẹ đã biết cách giảng giải cho con (tức là dạy con bằng lời nói, bằng kiến thức về tâm lý, biết làm gương, biết cách thuyết phục…) thì đã không cần đánh con, không cần cho roi cho vọt.
Đánh con mà không hướng dẫn con nhận ra lỗi lầm để tránh tái phạm về sau, đây là phương pháp sai trong chuyện dạy con của đa số phụ huynh thời trước.
Trở lại với lời nài nỉ của đứa bé trong câu ca dao Việt Nam, cũng có kiểu nài nỉ khác như sau:
“Má ơi đừng đánh con đau,
Để con hát bội làm đào má coi”.
Nếu thật sự đây là lời của trẻ con, thì phải nói rằng đứa trẻ này còn nhỏ mà đã am hiểu tâm lý! Các bậc tiền nhân thời xưa ở nước Việt rất thích đọc truyện cổ TQ, những câu chuyện này khi chuyển thành kịch, tuồng, chèo đều nhận được sự ưa thích cổ vũ của người dân khắp nơi. Các đoàn hát bội đi đến đâu thì người dân già trẻ lớn bé đều chèo ghe, chèo xuồng đến xem rất đông đảo. Khi đoàn hát đã dọn đi nơi khác, mọi người nhân lúc rảnh rỗi cũng tụm năm tụm bảy bàn tán xôn xao.
Sống trong bối cảnh đó, chứng kiến sự ưa thích của người lớn đối với tuồng chèo, trẻ con cũng biết cách lấy lòng người lớn bằng việc tập làm đào kép, cũng bắt chước điệu bộ như diễn trên sân khấu, làm cho người lớn vui lòng để không bị lãnh lấy đòn roi nữa.
Trong xã hội ngày càng văn minh hiện giờ, quan điểm “thương cho roi cho vọt” hầu như không còn tồn tại nữa, mọi người đã chuyển sang “thương cho ăn cho mặc”. Chẳng có ai vừa sinh ra đã rành rẽ mọi kiến thức và kỹ năng làm phụ huynh, nên mình nghĩ làm cha mẹ cũng là chuyện phải học hỏi từ rất lâu trước khi trở thành phụ huynh, phải học hỏi từ khi nghĩ bản thân muốn kết hôn và có con. Còn các bạn thì sao, các bạn nghĩ thế nào về chuyện “thương cho roi cho vọt”?
.
Bài viết lấy tư liệu và được truyền cảm hứng từ cuốn Từ điển Thành ngữ – Tục ngữ – Ca dao Việt Nam của tác giả Việt Chương. Hình minh họa lấy từ Internet.