Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng”.

Đã có hồi người ta tưởng muốn làm thơ hay phải là người hay khóc và thi nhân mỗi lần cầm bút là một lần phải “nâng khăn lau mắt lệ”. Nhưng buồn mãi cũng chán. Trên tao đàn* Việt Nam bỗng phe phẩy một ngọn gió yêu đời, tuy không thổi tan những đám mây sầu u ám, song cũng đã mấy lần ngân lên những tiếng reo vui.

Ngày vui ngắn ngủi, chưa được mấy năm nỗi buồn đã trở về, thảm đạm và nặng nề hơn xưa. Nỗi buồn đó đã trở về trong tập thơ “Lửa thiêng” của nhà thơ Huy Cận. Cái buồn “Lửa thiêng” là cái buồn tỏa ra từ đáy hồn của một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh. Có người muốn làm thơ phải tìm những cảnh nên thơ. Huy Cận không thế. Nguồn thơ đã sẵn trong lòng. Huy Cận có lẽ đã sống một cuộc đời rất bình thường, nhưng người luôn luôn lắng nghe mình sống để ghi lấy cái nhịp nhàng lặng lẽ của thế giới bên trong.

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

 

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”.

bang-khuang-troi-rong-nho-song-dai-2

Huy Cận đi lượm lặt những chút buồn rơi rắc để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường, thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc. Với trí quan sát rèn luyện trong nền học mới (học theo văn thơ Pháp), Huy Cận đã làm một việc táo bạo: tìm về những cảnh xưa, nơi bao nhiêu người đã sa vào khuôn sáo. Người nói cùng ta nỗi buồn của quán chật đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người lữ thứ dừng ngựa trên non, buồn đêm mưa, buồn nhớ bạn. Cũng như người đã làm thơ với những cái hình như không có gì nên thơ, người tìm ra thơ trong những chốn ta tưởng không còn có thơ nữa.

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Những con đường về quá khứ đi càng xa, càng cô tịch; tứ bề càng vắng lặng, mênh mông. Có lẽ thi nhân trong cuộc viễn du đã có lần nhác thấy cái xa thẳm của thời gian và không gian, có lẽ người đã nghe trong hồn hơi gió lạnh buốt từ vô cùng đưa đến. Ta thấy một người hiền lành lắm và non dại lắm, vui hấp tấp, vui cuống quýt, vì trong lúc vui người cũng biết buồn đương chờ mình đâu đó.

.

* Tao đàn: Nơi nhiều người ngâm vịnh tao nhã

Bài thơ: Tràng Giang (Huy Cận)

Phần tản văn, bình luận trích từ cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp