Lợi ích của việc đọc sách thì ai yêu sách đều phần nào biết được rồi, nhưng việc tìm sách hay để đọc sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian trong quỹ thời gian có hạn của chúng ta. Trong cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của Gô Sì, bạn ấy có đề cập tới việc các bạn trẻ phải đọc sách nhiều sách, mỗi năm ít nhất đọc 50 cuốn sách. Sau đó, tác giả còn giới thiệu trang goodreads cho các bạn trẻ tìm sách hay. Wow…mình không thể tưởng tượng nổi một năm phải đọc ít nhất 50 cuốn sách thì sẽ thực hiện thế nào và liệu có làm nổi không?
Dưới đây là các tiêu chí mà mình tự đặt ra theo kinh nghiệm đọc sách của mình và kết hợp với kinh nghiệm của cụ Hoàng Xuân Việt (trong cuốn Nghệ thuật đọc sách báo).
1. Quan điểm sai lầm khi chọn sách
– Sách best seller là sách hay?
Trong thời đại truyền thông 4.0 như hiện nay, việc một hiện tượng mạng nổi lên nhanh chóng là chuyện hết sức bình thường. Bất kể một người bình thường nào đều có thể trở nên nổi tiếng và kiếm tiền được nhờ sự nổi tiếng đó. Sách cũng vậy, có nhiều cuốn sách có chất lượng không tốt từ khâu biên tập tới cả nội dung nhưng do tác giả là người nổi tiếng (trong lĩnh vực nào đó) hoặc do nắm được công nghệ quảng cáo maketing mà cuốn sách đó trở thành bán chạy trên các kênh TMĐT. Có thể kể ra đây ngay lập tức nhiều cuốn sách kém chất lượng nhưng vẫn bán chạy, nhưng vì lí do nhạy cảm nên mình sẽ tạm thời chưa nêu (mà khi nêu sẽ có dẫn chứng cụ thể), THƯỜNG những sách hay và giúp đỡ được đọc giả nhiều hơn lại là những sách khó đọc và bán ít chạy. Ý mình muốn nói các bạn không nên CHỈ dựa vào yếu tố bán chạy mà hùa theo mua, tâm lý đám đông thì ai cũng biết, độc giả nên tỉnh táo với các chiêu thức này của các NXB, các tác giả chỉ chăm chăm mục đích thương mại của mình.
– Độc giả thường cho rằng mình hoàn toàn có thể “gạn đục khơi trong”
Cho rằng sách hay hay không là ở người đọc. ok mình cũng không phản đối ý kiến này, có thể không có sách dở, chỉ là người đọc không biết chọn sách mà đọc.Với các bạn trẻ, với kiến thức chuyên môn chưa vững vàng, kĩ năng và lập trường chưa tốt, chưa chuẩn bị cho mình những “khả năng tự phòng vệ” thì khó mà phân biệt được hay dở, tốt xấu; phần lớn các bạn sẽ thấy hay nếu như người khác cho là hay, nếu như nó nói lên cái các bạn đang muốn nói (kiểu chả biết đúng sai là gì, vì cái gì cũng không biết). Với các “bô lão” thì luôn cho rằng mình đủ trình độ để cái xấu, cái dở không xâm nhập được vào mắt họ. Cũng có thể họ đúng, nhưng các bạn nên nhớ rằng, làm những điều xấu luôn dễ dàng hơn làm các việc tốt. để rèn luyện một thói quen tốt có khi mất hàng tháng, hàng năm trời, còn làm một việc xấu có thể thực hiện ngay tức khắc. cái xấu xâm nhập vào chúng ta cũng dễ như chúng ta thực hiện chúng. Ông bà mình có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, để chắc chắn rằng mình không “đen” thì nên chơi với đèn, có thể không rạng mà …cháy luôn cơ đấy tóm lại là nên cẩn thận với những cái không tốt, kể cả sách tư tưởng không lành mạnh, sai kiến thức chuyên môn của cuốn sách muốn thể hiện.
2. Cách chọn sách hay
– Thứ nhất, dựa vào tên tuổi của tác giả, dịch giả
Đối với các tác giả có tên tuổi ở VN cũng như trên thế giới, được khẳng định qua hàng chục năm, hàng trăm năm. Những tác giả này đã được công chúng đón nhận, đã được thời gian thử thách, “vàng thật không sợ lửa” thì đó chắc chắn là các tác giả hay vì các giải thưởng và sự công nhận của độc giả là thước đo chính xác nhất, các tác phẩm của họ xứng đáng để chúng ta bỏ thời gian đọc và tìm hiểu.
– Đối với các tác giả trẻ thì sao, sách của họ có hay hay không ? Xin thưa là có chứ ạ, đương nhiên rồi, thời nào chẳng có anh hùng, thời nào chẳng có thằng khùng thằng điên. Để xem cuốn sách đó có hay hay không, chúng ta nên xem xét chuyên môn của tác giả khi viết cuốn đó, tác phẩm đó được giới phê bình, giới chuyên môn đánh giá như thế nào, công trình của họ có được giải thưởng gì hay chưa, công chúng đón nhận tác phẩm đó như thế nào. Gần đây, mình có thấy một tác giả trẻ viết sách khá tốt, tác phẩm anh ta tạo được tiếng vang lớn, hàm lượng khoa học cao như Trần Quang Đức (tác giả của Ngàn năm áo mũ).
– Bố cục và cách trình bày tác phẩm. Một cuốn sách hay thường sẽ đi kèm sự chỉn chu, ít phô trương màu sắc, kĩ lưỡng trong khâu biên tập, thiết kế bìa…. Xem vào trong cuốn sách, các bạn nên xem phần mục lục, bố cục giữa các chương, đoạn có khoa học hay không, có rõ ý hay không; đọc lời giới thiệu của tác phẩm để biết tư tưởng chung, cách thức trình bày ý tưởng… thường những cuốn sách dở sẽ có bố cục nội dung không tốt. Đọc thử những dòng văn mà thấy lỗi chính tả, văn phong không rõ ràng, câu cú lủng củng…báo hiệu một cuốn sách ôi thôi tệ hại. Những cuốn sách có cái tên quá kêu, kiểu như “tuổi trẻ đáng giá hau mắt”, 10 cách này, 100 cách kia chỉ là những nhan đề giật tít nhằm mục đích thương mại, nên cẩn thận.
– Các phân tích nhìn nhận, dẫn truyện của tác giả trong sách. Nếu là sách sử thì sử dụng tài liệu nào, văn học thì sử dụng lối viết và câu từ ra sao, báo chí, nghệ thuật…cũng đều có những quy chuẩn riêng của mình. Sách hay là những sách có cách nhìn nhận khách quan, ý tưởng mới lạ, lôi cuốn, khoa học, hấp dẫn.
– Sách phù hợp với người đọc. hay hay không nhiều khi rất cảm tính, các bạn nên tìm cho mình các loại sách phù hợp nhất với mình. Phù hợp về trình độ học vấn, khả năng tiếp thu và quan trọng nhất là phù hợp về nhu cầu tìm đọc. sách hay là sách phù hợp với nhu cầu và giải quyết được nhu cầu của người đọc một cách tốt nhất, khoa học nhất, triệt để nhất. (ví dụ cần đọc sách để buồn ngủ nên đọc ngôn tình)
Độc giả có thể xem video nội dung này tại: https://www.youtube.com/watch?v=uRxi0aEPy0g&t=202s