BIẾT THÊM GÌ VỀ “TRUYỆN KIỀU” TỪ “VỤ ÁN TRUYỆN KIỀU”?

Nguyễn Du sáng tác “Đoạn trường tân thanh” trong giai đoạn 1814-1820; ngày nay chúng ta biết đến tác phẩm với tên gọi gần gũi hơn là “Truyện Kiều”. Ngay từ đầu, tác phẩm này đã không dễ dàng được tiếp nhận và đánh giá cao như ngày nay. Đầu thế kỷ XX “Truyện Kiều” phải ra “toà” và những tranh luận xung quanh tác phẩm này đến nay được biết đến là “Vụ án văn chương Truyện Kiều”

Bài viết này sẽ trình bày tóm lược lại cuộc tranh luận ấy, và quan trọng hơn, thử nói xem ta có thể biết thêm gì về “Truyện Kiều” từ cuộc tranh luận ấy.

 

CUỘC TRANH LUẬN VỀ “TRUYỆN KIỀU”

Tháng 8/1924 tờ Nam Phong đăng bài của ông Phạm Quỳnh suy tôn “Truyện Kiều”. Trong đó có mấy lời còn vang vọng tận ngày nay: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Cũng trong bài này, cụ Phạm còn vinh danh “Truyện Kiều” là quốc hoa, quốc tuý, quốc hồn.

Ngày 01/9 cùng năm, Ngô Đức Kế đăng một bài phản bác trên tờ Hữu Thanh, chỉ thẳng bài diễn thuyết đó mà cho là tà thuyết.

Đến năm 1931 cụ Phan Khôi cho đăng một bài trên tờ Phụ Nữ Tân Văn kiểu như “Lêu lêu mắc cỡ!”, và gọi thẳng Phạm Quỳnh là “học phiệt” vì ông Phạm đã không trả lời ông Ngô Đức Kế.

Thấy thế, Phạm Quỳnh đành viết một bài cốt cho thấy bản thân và những ai đề cao Truyện Kiều không phải là “học phiệt”. Trong đó Phạm Quỳnh vừa cho là cụ Ngô Đức Kế kiểu như “hàng thịt nguýt hàng cá” vừa đề xuất lập hội “Chấn hưng quốc học”.

Lần này thì vạ từ miệng ra. Thời điểm Phạm Quỳnh viết bài trên thì Ngô Đức Kế đã qua đời, thành thử ra lời cụ Phạm lại là lời nói xấu một chí sĩ đã khuất – Huỳnh Thúc Kháng đã vạch tội thế. Sau một hồi phản bác Phạm Quỳnh thì cụ Huỳnh Thúc Kháng chốt hạ: “Truyện Kiều là một thứ dâm thơ”.

Cuộc tranh luận này chung quy là giữa hai bên: bên tán Kiều và bên bác Kiều. Bên tán gồm Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam và các tác giả cộng tác với tờ Nam Phong (tờ này đã cho đăng một lượng lớn các bài nghiên cứu Kiều). Bên bác gồm Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng. Sau này còn có bên thứ ba là bên luận, gồm những trí thức luận bàn về quan điểm hai bên tán-bác, nổi bật nhất là giáo sư Nguyễn Văn Trung, giáo sư Tử Vi Lang, linh mục Thanh Lãng. 

Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã có tổng hợp cuộc tranh luận này và biên thành một cuốn sách tên là “Vụ án Truyện Kiều” in lần đầu năm 1970 tại Sài Gòn. Sách này sẽ cho ta thấy được một cái nhìn rất rộng và bao quát về “vụ án”, kèm theo là những phân tích sắc sảo dưới góc độ văn hoá và chính trị. 

TA BIẾT THÊM GÌ VỀ “TRUYỆN KIỀU” QUA CUỘC TRANH LUẬN TRÊN?

Hiện tại những điều cơ bản về giá trị “Truyện Kiều” gần như là giống hệt nhau trong sự hiểu biết của mọi người. Điều đó sẽ khiến ta không khỏi tò mò rằng vì sao một tuyệt tác như thế lại vướng vào một “vụ án” nảy lửa. Dưới đây là vài điều ta có thể biết thêm về “Truyện Kiều” thông qua cuộc tranh luận trên.

Từ góc độ “tán Kiều”, ta có thể thấy:

1/ “Truyện Kiều” là cuốn sách có một không hai tại Việt Nam và trên thế giới. Tại Việt Nam thì được cả nước tôn sùng. Trên thế giới thì Nguyễn Du không thua kém văn hào nào, nhất là khi so với Tàu và Pháp.

2/ “Truyện Kiều” là tác phẩm rất tài tình và hoa mỹ về cái chủ não của truyện, về bút pháp, về văn tự sự, về vấn đáp, về văn tả người, về văn tả tình, về văn tả cảnh.

3/ “Truyện Kiều” có hệ thống nhân vật sống động như thực. 

4/ “Truyện Kiều” là gương sáng về triết lý và luân lý dân tộc, như đạo thờ vua giúp nước, vợ thờ chồng, con cái thờ cha và cách làm người sao cho xứng đáng.

5/ “Truyện Kiều” liên hệ mật thiết đến vận mệnh cả dân tộc, là bằng chứng hùng hậu nhất để đảm bảo sự tồn vong của dân tộc.

 

Từ góc độ “bác Kiều”, ta có thể thấy:

1/ “Truyện Kiều” không có giá trị gì vì tên sách vớ vẩn, vì truyện kể tầm thường, thậm chí chỉ là một thứ truyện mua vui với tình cảm uỷ mị. 

2/ “Truyện Kiều” phi bác đạo đức vì truyện kể tà dâm (một thứ dâm thơ) và đã bị nhiều tiền bối kết án, cấm con cháu đọc. Lần đầu tiên, một cách công khai, cụ Huỳnh Thúc Kháng gọi Kiều là đĩ. 

2/ Học “Truyện Kiều”  là thoái hoá, là một điều sỉ nhục đối với dân tộc.

 

Từ góc độ “luận Kiều”, ta có thể thấy:

1/ Theo giáo sư Tử Vi Lang:

+ Phạm Quỳnh quá đại ngôn khoác lác và ru ngủ tâm hồn thanh nhiên.

+ Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng từ chỗ kết án Phạm Quỳnh (vì xem cụ Phạm là Việt gian) đã mạt sát cả “Truyện Kiều”, là tác phẩm được Việt gian tán tụng.

+ “Truyện Kiều” bị lợi dụng về mặt chính trị

2/ Theo linh mục Thanh Lãng:

+ Các học giả gặp mâu thuẫn trầm trọng, tạo hố ngăn cách giữa cựu học và tân học. Bên tân học có chút kiêu căng, cho là mình làm chủ tình thế. Bên cựu học thì cứng rắn, tuyệt vọng và bảo thủ. Tuy thái độ khác nhau nhưng đều cho thấy tinh thần cố giữ lấy cái hồn dân tộc.

+ Thời ấy còn cho rằng đạo đức luân lý phải chỉ huy mọi hoạt động nghệ thuật. Do đó khi gặp phải các tác phẩm ít giá trị đạo đức như “Truyện Kiều” (dù cho tính nghệ thuật cao) thì nhà phê bình gặp lúng túng và giải thích gượng ép. Giới nghệ sĩ lúc ấy chưa phân biệt đạo đức thuần tuý với nghệ thuật thuần tuý. 

3/ Theo giáo sư Nguyễn Văn Trung:

+ Thực chất cuộc tranh luận trên không phải là về luân lý, văn hoá, hay văn học; thực chất đây là cuộc tranh đấu chính trị trên lĩnh vực văn hoá, văn học.

+ Vấn đề then chốt là Phạm Quỳnh có phải là Việt gian không, và tờ Nam Phong có phải là công cụ cổ suý một thứ tình cảm uỷ mị trong “Truyện Kiều”, một tác phẩm không đá động gì đến việc yêu nước, không. 

+ Tồn tại của dân tộc không nhất thiết lệ thuộc vào “Truyện Kiều”. Do đó, lời của Phạm Quỳnh vừa là xuyên tạc lịch sử vừa là một nguỵ biện chính trị.

 

***

Tựu trung lại, dù tán, bác hay luận Kiều thế nào thì mọi người đều sẽ tập trung bàn đến những góc nhìn từ:

1/ Văn học nghệ thuật

2/ Luân lý đạo đức

3/ Chính trị, xã hội

Những tranh luận liên quan sẽ giúp ta có được cái nhìn nhiều chiều về tác phẩm “Truyện Kiều”. Khi đọc lại các bài viết tranh luận, ta sẽ thấy đôi chỗ các cụ có phần thiên kiến và công kích cá nhân; tuy nhiên các quan điểm ấy vẫn là một tham khảo đắt giá về quá trình tiếp nhận một tác phẩm văn chương, về bối cảnh chính trị-xã hội lúc bấy giờ, về thái độ cởi mở sẵn sàng tranh luận giữa giới trí thức, về sự thao thức và đau đáu của các cụ về sự tồn vong dân tộc.

Giả như ngày nay ta đọc “Truyện Kiều” trong thái độ như các cụ ngày xưa (chứ không phải ai bảo sao thì nghe vậy, hay là đọc một cách hờ hững) thì thật quý biết bao! Vì ngoài kiến thức tương đối về “Truyện Kiều”, ta cũng cần có thêm một thái độ đọc tương xứng nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp