ĐÀM ĐẠO VẦNG TRĂNG MÁU: MỆNH ĐỀ NHÂN SINH TRONG MỘT LÁT CẮT LỊCH SỬ

Có thể nói lịch sử là một môn khoa học xã hội cực kỳ thú vị. Học lịch sử đúng cách cũng đòi hỏi tư duy và biết cách đa dạng hoá góc nhìn, thay vì chỉ đơn thuần ghi nhớ các sự kiện một cách máy móc. Cùng một sự kiện lịch sử, trong cùng một quãng thời gian, ở cùng một phạm vi địa lý, đặt góc nhìn ở hai vị trí khác nhau sẽ thấy được hai câu chuyện, hai vấn đề khác nhau, thậm chí là đối lập nhau. Câu chuyện về tộc người da đỏ bản địa Osage trên đất Hoa Kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trong “Killers Of The Flower Moon” (Việt dịch: “Vầng Trăng Máu”) là một ví dụ. 

Có vẻ không nhiều người biết rằng bộ tộc Osage từng được xem là giàu nhất thế giới, với khối tài sản tính theo đầu người thời điểm đó khiến cho các nhà băng ở Mỹ cũng phải ganh tị. Cũng ít ai biết rằng những người Osage đã từng sống trong Thời kỳ khủng bố, khi mà các thành viên của bộ tộc đều qua đời theo những cách hết sức bí ẩn, hoặc là suy nhược đến chết, hoặc bị ám sát giữa ban ngày ban mặt mà giới chức trách chẳng thèm điều tra. Phải mãi cho đến khi kí giả David Grann viết cuốn sách “Killers Of The Flower Moon”, rồi sau đó được đạo diễn Martin Scorsese chuyển thể thành phim điện ảnh, vụ việc tưởng chừng đã chìm vào dĩ vãng mới được dịp phơi bày ra ánh sáng một lần nữa. 

Vậy trước đó, sử sách, mà cụ thể hơn là những người chép sử ở xứ cờ hoa xa xôi đã “giấu giếm” chúng ta điều gì?

Đa dạng hoá góc nhìn, lời biện hộ “Vận mệnh Hiển nhiên” và chuyện bộ tộc Osage

Các tài liệu lịch sử phổ biến nhất thường được soạn bởi chính quyền, giới quý tộc, nhà lãnh đạo, v.v., được xem là lịch sử nhìn từ trên xuống (top-down history). Từ góc nhìn này, lịch sử thường ghi chép lại các hoạt động, sự kiện liên quan đến (các mô hình) nhà nước, quan lại, quan hệ quốc tế… những gì được trình bày sẽ phần nào có tính giáo điều và thiếu sự đa chiều nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị. Do đó, trong giới nghiên cứu lịch sử hiện đại dần xuất hiện nhiều nghiên cứu theo hướng nhìn từ dưới lên (bottom-up history), với phạm vi tìm hiểu tập trung vào các nhóm địa phương nhỏ, xu hướng dân cư, di dân, văn hoá bản địa. Qua bottom-up history, người ta có thể tìm ra rõ hơn căn nguyên vì sao các giới cầm quyền lại đưa ra quyết định này, thay đổi kia, đồng thời thấy được những nhược điểm, thiếu sót mà top-down history chưa đề cập đến hoặc không đủ thông tin, tư liệu để lưu trữ lại.

Có thể áp hai góc nhìn nêu trên để phân tích “Vận mệnh Hiển nhiên”

Vận mệnh Hiển nhiên là cụm từ ra đời vào thập niên 1840 tại Hoa Kỳ, mô tả ý tưởng và niềm tin rằng quốc gia này có vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Vào thời điểm thuyết này được hình thành, phần lãnh thổ Hoa Kỳ mới chỉ là phần bờ đông của ngày nay, trong khi những vùng đất xung quanh hoặc là của Mexico, hoặc là thuộc địa của các nước thực dân châu Âu.

Vào tháng 12/1845, thời điểm Texas được chấp nhận là một tiểu bang của Liên bang, ý tưởng rằng Hoa Kỳ chắc chắn phải mở rộng về phía tây đã ăn sâu vào tâm trí người dân từ nhiều vùng, tầng lớp và khuynh hướng chính trị khác nhau. Tổng thống thứ 11 của Hoa Kỳ, James Knox Polk nổi tiếng là người ủng hộ nhiệt thành cho thuyết Vận mệnh Hiển nhiên, với khẩu hiệu “54˚ 40′ hoặc chiến đấu!” (vĩ độ ám chỉ vùng ranh giới Oregon) và xem chủ quyền của nước Mỹ đối với Oregon là “rõ ràng và không thể tranh cãi”.

Với Hợp Chủng Quốc, Vận mệnh Hiển nhiên là một xứ mệnh cao cả, đặc biệt là trong những trang sử có tính chất nhìn từ trên xuống. Thế nhưng khi ta đặt góc nhìn từ dưới lên, có thể thấy được thuyết này được sử dụng để hô hào và biện hộ cho việc thâu tóm các lãnh thổ khác. Sự bành trướng lãnh thổ nhanh chóng của Hợp Chủng Quốc trong nửa đầu thế kỷ 19 không chỉ dẫn đến chiến tranh với Mexico mà còn dẫn đến sự di dời bắt buộc đối với người bản địa và những cư dân khác trên các vùng lãnh thổ liên quan, dễ thấy nhất là với cộng đồng người da đỏ bản địa, trong đó có tộc người Osage. 

Tranh: American Progress, vẽ bởi John Gast năm 1872.

Từ thế kỷ 17, người Osage có trong tay phần lớn lãnh thổ của miền trung đất nước – một lãnh thổ trải dài từ khu vực Missouri và Kansas. Vào những năm 1800, người Osage đã bị buộc phải từ bỏ lãnh thổ của họ và di dân đến những vùng đất ít trù phú hơn.

Tại buổi gặp mặt, Jefferson gọi những vị thủ lĩnh là “con của ta”. Ông nói: “Đã từ rất xưa, tổ tiên chúng ta đã vượt qua những con sóng lớn để tới được đây, tới nỗi chúng ta chẳng còn ký ức gì về điều đó nữa. Sự sống đã được sinh sôi ở trên mảnh đất này, như các con đã làm… chúng ta bây giờ như người một nhà”. Ông nói tiếp: “Khi quay trở về, hãy nói với người dân của mình rằng ta che chở cho tất cả, rằng từ giờ trở đi ta sẽ là cha của họ, rằng dân tộc này coi họ như những ân nhân và những người bằng hữu”.

Nhưng chỉ trong vòng bốn năm, Jefferson đã buộc những người Osage phải từ bỏ lãnh thổ của họ nằm ở giữa con sông Arkansas và sông Missouri. Thủ lĩnh bộ tộc Osage nói rằng người dân của họ “không được quyền lựa chọn, hoặc là ký vào hiệp ước hoặc bị coi là kẻ thù của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”. Trong hai thập kỷ sau đó, người Osage bị ép từ bỏ quyền sở hữu 1 triệu mẫu Anh đất do tổ tiên để lại, cuối cùng phải nương náu trên một mảnh đất dài 125 dặm và rộng 5 dặm về phía đông nam Kansas. 

(Trích từ Vầng trăng máu)

Đầu những năm 1870, chính phủ Mỹ một lần nữa buộc người Osage phải rời bỏ vùng đất Kansas, chuyển đến một khu bảo tồn đầy đá, cằn cỗi vô giá trị ở phía đông bắc Oklahoma. Khu định cư mới tuy không thích hợp cho việc trồng trọt nhưng lại rất giàu trữ lượng dầu mỏ. Sau khi các mỏ lớn được phát hiện vào năm 1894, họ trở nên cực kỳ giàu có nhờ điều khoản độc quyền khoáng sản cho dân bản địa mà tộc trưởng James Bigheart đã đề ra khi mua đất vào năm 1893. Chính nhờ lợi tức từ các công ty dầu mỏ, số chữ số trên séc của họ cũng tăng lên, tăng lên hàng trăm rồi hàng nghìn đô la theo thời gian. Chỉ riêng trong năm 1923, 2.000 thành viên bộ tộc đã cùng nhau nhận được 30 triệu đô la—tương đương với 400 triệu đô la ngày nay mà không phải làm gì cả. 

Dù sở hữu khối tài sản khổng lồ trong tay, người Osage vẫn không được yên ổn. Các nhà lập pháp thời đó chỉ định những người giám hộ da trắng đến địa phương để phê duyệt mọi khoản chi tiêu của người Osage chính gốc, “kể cả kem đánh răng họ mua ở cửa hàng góc phố”, với lý do “giúp đỡ người Osage quản lý chi tiêu”. Thực chất hành động này là biểu hiện của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Những người giám hộ đã buộc người Osage mua hàng hóa từ họ với giá cắt cổ và nhận tiền hoa hồng bằng cách chỉ đạo họ làm ăn với một số cửa hàng và ngân hàng nhất định. Trong một số trường hợp, những người giám hộ thậm chí không thèm “đóng kịch” và chỉ đơn giản là lấy cắp tiền – ít nhất là 8 triệu đô la, theo một nghiên cứu của chính phủ. 

Trong cùng giai đoạn thịnh vượng về mặt tài chính của người Osage, theo số liệu từ Sổ Thống kê Chính thức địa phương, đã có đến 605 người của bộ tộc này qua đời từ năm 1907 tới năm 1923. Tỷ lệ tử vong là 19/1000 người, cao hơn con số trung bình toàn quốc (chỉ là 12/1000 người). Đáng lý thì với mức sống cao, người của bộ tộc ấy phải có tỷ lệ chết thấp hơn, thay vì cao gấp hơn 1,5 lần bình thường. Khi những sự “ra đi” bí ẩn được gửi hồ sơ lên chính quyền để làm rõ, hầu hết đều sẽ bị ngó lơ hoặc xử lý rất qua loa mà không tìm ra kết quả, nguyên nhân rõ ràng. Để cục điều tra liên ban vào cuộc và giúp người Osage thoát khỏi “Triều đại khủng bố”, họ cũng đã phải trả cho tổ chức của chính quyền này hơn 20.000 đô la “phí công lý”. Đó là còn chưa nói đến việc chính giám đốc của cục điều tra là J. Edgar Hoover cũng đã vội vàng khép lại vụ án quá sớm khi vẫn còn nhiều đầu mối có thể tiếp tục truy xét. 

 

Quan điểm lịch sử của “Killers Of The Flower Moon” phiên bản sách giấy và điện ảnh

Đến với “Killers Of The Flower Moon” (2023), tựa Việt là “Vầng Trăng Máu”, có thể nói Martin Scorsese đã tìm ra được hướng kể chuyện mang tính đột phá hơn cho phiên bản điện ảnh của mình, đối chiếu với hướng kể chuyện bằng ngôn từ trong nguyên tác. Như những ai đã xem phim hoặc đọc sách đã biết, câu chuyện chung của “Vầng Trăng Máu” là một sử thi về những bất công, những thảm hoạ mà người da đỏ bản địa trên đất Mỹ phải đối mặt. Trong cuốn sách gốc cùng tên của ký giả David Grann, góc nhìn chính xoay quanh Tom White, đặc vụ người da trắng chịu trách nhiệm chính trong khâu điều tra các sự việc bí ẩn xảy ra vào thời điểm đó. Đặc vụ Tom White từ khi nhận điều tra những án mạng bí ẩn của cộng đồng người Osage đã từng bước phát hiện ra kẻ thủ ác không chỉ có một, không chỉ là nhiều, nhưng là một mạng lưới chằng chịt những tay da trắng. Góc nhìn của ký giả David Grann sẽ lần theo bước chân phá án của đặc vụ Tom White, để vừa cho thấy nỗi đau của tộc người Osage vừa cho thấy năng lực phá án của Cục Điều tra Liên bang. 

(Ấn bản tiếng Việt lại oái oăm đến mức làm chệch hướng câu chuyện khi ở trang bìa, bên phát hành lại cho in đậm một cách rõ ràng mấy chữ CUỘC THẢM SÁT NGƯỜI OSAGE VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA TỔ CHỨC FBI. Có lẽ là họ muốn mượn từ khoá này để thu hút sự chú ý của người đọc, nhưng rất tiếc: chệch hướng câu chuyện!)

Đạo diễn Martin Scorsese xuất hiện ở một cảnh trong Killers Of The Flower Moon (2023); bối cảnh, lời thoại, giọng điệu nói lên nhiều điều về thái độ của ông với câu chuyện.

Trong quá trình xây dựng kịch bản phim, cụ Martin đã quyết định xây dựng lại mọi thứ từ đầu, đặt trọng tâm khai thác vào văn hóa của người Osage và quan điểm về các sự kiện lịch sử. Chính cộng đồng người da đỏ cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp để giúp bộ phim hoàn thiện hơn trong việc thể hiện hình ảnh bộ tộc Osage – nhân vật chính thật sự của câu chuyện – lên màn ảnh.

Thêm nữa, bộ phim chuyển thể có một số chi tiết đã được điều chỉnh theo hướng cường điệu hoá nhằm nhấn mạnh thông điệp chính; nếu có sự tìm hiểu và đối chiếu giữa phim và sách/thực tế sẽ thấy được dụng ý tinh tế mà vị đạo diễn 81 tuổi cài cắm. Thời lượng 3 tiếng 26 phút của “Killers Of The Flower Moon” (2023) có lẽ sẽ là một thử thách hơi khó nhằn dành cho những ai có khả năng giữ tập trung (attention span) kém, nhưng nếu chú ý thật kỹ vào thế giới trong phim với đầy những chi tiết khắc hoạ chân thực bối cảnh, não trạng, biểu đạt được sự phức tạp của tâm lý nhân vật, bất cứ người xem nào cũng có thể hoàn toàn bị thuyết phục.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp