Nguyễn Trường Tộ là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam thời cận đại. Ông trưởng thành dưới triều vua Tự Đức và đã chứng kiến cảnh nước nhà từng bước một rơi vào tay Pháp. Đứng trước hoàn cảnh ấy, giống như nhiều người yêu nước khác, trong khả năng của mình, Nguyễn Trường Tộđã làm những gì có thể để thúc đẩy việc đổi mới để cứu nước. Theo sử liệu, ít nhất ông đã dâng 58 bản điều trần, trình bày các việc cần kíp để nâng cao nội lực quốc gia. Các sử gia đánh giá các kiến nghị của ông rất tiến bộ và hiện đại. Nhiều người còn đặt ông ngang tầm với các nhà cải cách ở Nhật Bổn, như Y Đằng Bác Văn (tức Ito Hirobumi), Khuyển Dưỡng Nghị (tức Inukai Tsuyoshi), hay Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi).
Vậy Nguyễn Trường Tộ là ai và đọc sách gì để biết thêm về ông?
Bá Tân Sách xin giới thiệu với các bạn ít nhất 5 cuốn sách được đánh giá là có nhiều giá trị tham khảo:
1️⃣ Nguyễn Trường Tộ: Con người & Di thảo (của Trương Bá Cần)
“Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo” là một công trình nghiên cứu lịch sử đồ sồ. Cuốn sách trân trọng giới thiệu 58 bản di thảo, hoặc điều trần, mà soạn giả Trương Bá Cần đã dày công sưu khảo và chuyển ngữ. Nhìn vào số di thảo này, ta thấy Nguyễn Trường Tộ đã để tâm đến từng ngóc ngách các vấn đề lớn nhỏ của quốc gia trong giai đoạn Pháp chiếm đóng Đông Dương. Điểm chung của tất cả các di thảo này chính là nhằm củng cố và phát huy nội lực của quốc gia, thông qua binh chế, giáo dục, sưu thuế, sự đoàn kết dân tộc, v.v.. Cuốn sách đã để lại nhiều suy ngẫm về thế nào là làm người, thế nào là một trí thức, thế nào là một người quốc dân.
2️⃣ Nguyễn Trường Tộ: Thời thế & Tư duy canh tân (của Hoàng Thanh Đạm)
Nhìn vào mục lục cuốn “Nguyễn Trường Tộ: Thời thế & Tư duy canh tân”, ta sẽ thấy điểm nhấn của công trình này là nhà nghiên cứu Hoàng Thanh Đạm đã dám đặt ra một số nghi vấn xoay quanh thân thế và học vấn của Nguyễn Trường Tộ. Đồng thời tác giả cũng trình bày một bức tranh tổng quan các góc nhìn qua từng thời đại về con người lịch sử này. Ông cũng nhắc đến một cuốn sách ngược dòng công kích Nguyễn Trường Tộ. Nhà nghiên cứu Hoàng Thanh Đạm còn làm được một việc nữa là hệ thống tư duy đổi mới của Nguyễn Trường Tộ, chứ không chỉ đi vào phân tích từng giải pháp canh tân một. Tư duy đổi mới của Nguyễn Trường Tộ đã được tác giả khảo sát qua các vấn đề như kinh tế, văn hoá, ngoại giao, quân sự, triết học.
3️⃣ Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức (của Nguyễn Đình Đầu)
Cuốn sách “Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức” vốn tập họp các bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu từng được đăng trên tờ Công giáo & Dân tộc nhân dịp kỷ niệm 140 năm ngày qua đời của Nguyễn Trường Tộ. Đối tượng chính của các bài viết này là hướng đến các tín hữu Công giáo. Nguyễn Trường Tộ vốn là một người Công giáo yêu nước: dù cho bấy giờ triều đình vẫn còn nghi kị các tín hữu Công giáo nhưng ông vẫn không ngần ngại tham gia vào công việc chung để cứu nước. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, cũng là một tín hữu Công giáo, nhận xét rằng chính Nguyễn Trường Tộ đã nêu gương yêu nước cho người Công giáo Việt Nam: tự do tôn giáo là quyền thiêng liêng và phụng sự đất nước cũng là điều bất khả kháng.
4️⃣ Nguyễn Trường Tộ: Người Việt Nam sáng suốt nhất ở thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử Việt Nam (của Từ Ngọc Nguyễn Lân)
So với những cuốn khác thì cuốn “Nguyễn Trường Tộ” này chỉ là một cuốn sách nhỏ, đúng như tác giả Từ Ngọc Nguyễn Lân tự nhận. Tác giả cũng cho biết rằng ông không có cao vọng khảo cứu tường tận về một con người mà ông xem là bậc vĩ nhân đệ nhất của nước Nam. Nhưng tác giả cũng mạo muội viết ra sách này để “treo một tấm gương sáng” cho giới thiếu niên thời ông (tầm những năm 1940), và “nhất là để bày trước mắt các bạn du học tấm hoài bão thiết tha của nhà Tây học sớm nhất của đất nước”. Cuốn sách này xứng đáng là một tập tài liệu dẫn nhập cho những ai lần đầu muốn tìm hiểu Nguyễn Trường Tộ.
5️⃣ Fukuzawa Yukichi & Nguyễn Trường Tộ: Tư tưởng cải cách giáo dục (của Nguyễn Tiến Lực)
Fukuzawa Yukichi (tác giả cuốn “Khuyến học” và “Khái lược văn minh luận” rất nổi tiếng) là người sống cùng thời với Nguyễn Trường Tộ. Giữa hai nhân vật này có rất nhiều điểm giống nhau, và tất nhiên là có khác biệt. Sự giống và khác này đã được tác giả Nguyễn Tiến Lực phân tích trong công trình “Fukuzawa Yukichi & Nguyễn Trường Tộ: Tư tưởng cải cách giáo dục”. Sự đối sánh ấy nhằm làm nổi bật tư tưởng cải cách giáo dục của mỗi ông trong từng hoàn cảnh riêng của đất nước mình. Riêng với Nguyễn Trường Tộ, có nhiều điều cũng đáng để ta suy ngẫm trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay.
Ngoài 5 cuốn trên, bạn đọc có thể tìm đọc thêm:
- Nguyễn Trường Tộ với vấn đề Canh tân đất nước (Kỷ yếu hội thảo khoa học, Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm)
- Nguyễn Trường Tộ (tiểu thuyết lịch sử của Thanh Đạm)
- Nguyễn Trường Tộ – Nhà Cải Cách Lớn Của Việt Nam Thế Kỷ XIX (của Chương Thâu)
- Một số bài viết của các học giả, như Cao Tự Thanh, Bùi Trân Phượng, v.v.