Người viết: Minh Phát
“Tâm lý dân tộc An Nam” (Psychologie du Peuple Annamite) là những ghi chép của Paul Giran – một quan chức thuộc địa tại Đông Dương – về những đặc điểm tâm lý của dân tộc An Nam đầu thế kỷ XX.
Một tác phẩm cần đọc với tinh thần phản biện cao
Không hề che giấu mục đích của mình, Paul Giran cũng viết rõ mục đích của tác phẩm là phục vụ cho việc cai trị một dân tộc lạc hậu hơn trong con mắt của những kẻ cai trị. Đối với ông, An Nam như một dân tộc lạc hậu cần được khai sáng bởi những người từ nước Pháp văn minh, một tư duy thông thường của những quan chức thuộc địa thời kỳ ấy. Tác phẩm được hình thành vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XX tức trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Thực dân Pháp. Để khai thác và cai trị hiệu quả thì phải hiểu rõ giống người xứ An Nam ngay từ trong suy nghĩ và tâm lý, đó là lý do tác phẩm này được ra đời.
“Ngày nay, rõ ràng để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi tìm hiểu, phải biết rõ, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ”
Như một lẽ tất yếu, tác phẩm này được viết từ góc nhìn của một kẻ thực dân, vì vậy thông tin được nhìn nhận cũng đầy tính định kiến và cũng không hoàn toàn đúng đắn. Cuốn sách này yêu cầu người đọc giữ một mức độ suy nghĩ phản biện cao và luôn tránh việc cho rằng thông tin được cung cấp luôn đúng.
Trước tiên, Paul Giran sử dụng những lý thuyết tâm lý phương Tây vốn được áp dụng rất tốt đối với người phương Tây nhưng chưa chắc nó phù hợp với ngưòi Châu Á. Ông cũng mang sự đồng cảm cao với các nhận xét của những nhà nghiên cứu đi trước mà bỏ qua các yếu tố thực tế, điều này làm cho các lý giải, kết luận cá nhân cũng chưa chính xác. Chẳng hạn, ông có một nhận định cho rằng những câu tục ngữ thường được treo trên cửa và tường nhà, đôi khi là những câu ca dao. Tuy nhiên trên thực tế, người Việt không bao giờ treo những câu ca dao, tục ngữ lên tường, hẳn ông đã nhầm lẫn với các câu đối. Vậy câu hỏi đặt ra là Paul Giran có thật sự hỏi chủ nhà mấy dòng chữ ấy là gì không? Hay ông chỉ như khách du lịch đi qua thấy thế nên ghi chép lại một cách chủ quan?
Và còn một số định kiến khác nữa, tiêu biểu như quan điểm cho rằng người An Nam vốn dửng dưng và thờ ơ. Đặt trong bối cảnh thời kỳ Pháp thuộc, một người Việt bình thường chắc chắn sẽ vô cùng dè chừng với người Pháp, những người đã tàn sát dân tộc của họ một thời gian trước đó. Chưa kể đến văn hóa người Việt mang tính cộng đồng gắn kết chặt chẽ trong làng xã nên sự xa lánh với một người Pháp là điều khá dễ hiểu. Chỉ dựa trên quan sát cá nhân mà vội vàng kết luận thì có phần rất chủ quan và phiến diện.
Tuy nhiên những định kiến này là dễ hiểu đối với một kẻ cai trị ngoại lai, ta vẫn phải nhìn nhận giá trị của tác phẩm này ở góc nhìn tương đối khách quan về tâm lý dân tộc.
Những điều đáng nhìn nhận
“Tâm lý dân tộc An Nam” là một tác phẩm có giá trị thực tiễn tương đối cao vì nó không phải là dạng nghiên cứu bàn giấy mà là nghiên cứu có khảo sát thực tế. Từ những quan sát thực tế ấy mà Paul Giran có những nhận xét khá khách quan về người An Nam.
Ví dụ như về tệ nạn cờ bạc, một tệ nạn rõ ràng vẫn nhức nhối với xã hội hiện đại, ông viết: “Cờ bạc, như chúng tôi đã nói, là cám dỗ không thể cưỡng lại với người An Nam”. Điều ấy rất đúng đến tận bây giờ và ta phải thật sự nhìn nhận vấn đề này không đơn giản là một hiện tượng tiêu cực của xã hội mà còn về mặt tâm lý dân tộc để tìm cách giải quyết gốc rễ.
Hay một nhận định khác: “Ở người An Nam, trái lại, biếng nhác là một tình trạng bình thường; năng động, mới là điều bất thường. Ý chí cùn nhụt của họ chỉ có thể thể hiện theo một hướng: thụ động”
Sự thật thường mất lòng nhưng thực tế đến tận hiện tại thì vẫn tồn tại sự thụ động ấy, cái tâm lý ấy kìm hãm rất nhiều khả năng sáng tạo của người Việt. Sự cam chịu và khuynh hướng tìm kiếm sự ổn định, an toàn là những lý do chủ yếu cho sự thiếu bứt phá của dân tộc Việt Nam, những nhận xét có phần thẳng thắn ấy là cần thiết để chúng ta có thể nhìn nhận đúng các vấn đề và tìm cách giải quyết.
Vậy “Tâm lý dân tộc An Nam” có phải một tác phẩm đáng đọc không? Câu trả lởi là có, đây là một tác phẩm Pháp ngữ về tâm lý dân tộc chúng ta, rất ý nghĩa và đem lại nhiều suy ngẫm. Nhưng hãy đọc một cách cẩn thận và có chọn lọc để tránh rơi vào những định kiến thực dân.
***
*** Thông tin thêm: Hiện ở Việt Nam có 2 bản dịch cuốn Psychologie du Peuple Annamite của Paul Giran
- “Tâm lý dân tộc An Nam: Đặc điểm quốc gia; Sự tiến hoá lịch sử, trí tuệ, xã hội và chính trị” do Phan Tín Dụng dịch
- “Tâm lý người An Nam: Tính cách dân tộc, Tiến trình lịch sử, tri thức, xã hội và chính trị” do Nguyễn Tiến Văn dịch