Tuy không sở hữu nhiều sách cho lắm nhưng mình có một thắc mắc có thể xem là quan trọng, đó là “Nên làm gì với sách của mình sau khi mình c.h.e.t?”. Đã đem thắc mắc này hỏi người bạn là chủ tiệm sách nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tuy vậy, hôm nọ khi được cho mượn cuốn “Đừng mơ từ bỏ sách giấy”, mình hoan hỉ phát hiện chương cuối có tiêu đề là “Làm gì với thư viện của mình sau khi c.h.e.t?”. Vội vàng giở chương cuối ra đọc trước tiên nhưng nó cũng không giải đáp cho nỗi băn khoăn của mình. Hai tác giả Jean-Claude Carriere và Umberto Eco chỉ nói sơ qua về việc để lại sách cho gia đình, đem tặng bạn bè, để lại cho trường đại học, hoặc đem làm từ thiện. Sáng nay, mình vừa được thụ hưởng một kho tàng sách do một người quen qua mạng vừa bán vừa tặng (chủ yếu là tặng). Trong cơn phấn khích hớn hở này, mình quyết định viết bài về mối băn khoăn “Làm gì với thư viện của mình sau khi qua đời?”
Đúng như những cách mà hai nhà văn – tác giả của cuốn “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” đã nói, có thể để lại sách cho gia đình, đem tặng bạn bè, tặng số lượng lớn cho trường đại học hoặc tổ chức học thuật, đem bán đấu giá hoặc làm từ thiện. Một người quen của mình có hẳn hai thư phòng với mấy chục ngàn cuốn sách, đến một lúc nào đó, chị ấy quyết định dùng phần lớn để đem cho thư viện (do chị ấy xây) ở vùng sâu vùng xa, nhằm giúp trẻ em nghèo có thể tiếp cận với sách vở. Mình nghĩ, dù làm cách nào với thư viện cá nhân / với sách thuộc sở hữu của mình đi chăng nữa, thì khi đã không còn ở trong tay mình, mình phải chấp nhận không thể biết về số phận của sách, không còn quyền quyết định đối với sách nữa. Có thể quyển sách đắt tiền nào đó rơi vào tay đứa trẻ và bị nó viết vẽ lên, hoặc tệ hơn là xé; có thể quyển sách đong đầy kỷ niệm nào đó rơi vào tay một người không thích thể loại ấy, và bán đổ bán tháo cho ve chai, sau đó bị xé làm giấy gói bánh mì. Mà nghĩ kỹ thì, ngay cả khi mình có con, sau khi mình qua đời thì con cái sẽ sống thế nào, trở thành người như thế nào, mình còn không biết và chi phối được, huống chi là với sách.
Trong bộ truyện “Tiệm sách cũ Biblia”, tác giả Mikami En đã nhiều lần nhắc lại ý này “Trong mỗi cuốn sách, ngoài nội dung của nó, còn có một hoặc nhiều câu chuyện liên quan đến nó, xoay quanh bản thân cuốn sách hoặc những người đã từng sở hữu cuốn sách đó”. Trước khi đọc câu ấy thì mình cũng đã mơ hồ nhận thấy nhưng không biết để nói thành câu chữ rõ ràng như vậy. Sau khi đọc câu ấy thì mình luôn chú ý quan sát và thích thú nhận ra đúng là vậy. Có lần mình được tặng một cuốn của Phan Hồn Nhiên, trang đầu sách ghi dòng chữ nắn nót của chủ sở hữu sách cách đây 13 năm “Ns Nguyễn Huệ – Thẻ xe bay – quên rút chìa khóa – là chiếc xe áp chót chen kịp vào hầm – Bấn loạn”. Sau khi được tặng, mình cũng ghi thêm nhiều điều cho riêng mình vào trang cuối quyển sách đó. Tuần rồi, mình được người bạn ưu ái bán rẻ cho mấy cuốn trinh thám đã xuất bản 13~18 năm trước, trang đầu sách còn ký tên chủ trước, điều trùng hợp to lớn là chủ trước của sách ở cùng quận với mình luôn! Mấy năm nay, mình hình thành thói quen lật trang cuối của sách để ghi ngày mua / ngày được tặng / nơi mua / người tặng / cảm xúc khi nhận sách. Thậm chí có một số cuốn mình viết cả review ngắn về sách. Và luôn ký tên với chữ ký ‘trứ danh’ của mình 😀 Làm kiểu này thì nhiều năm sau hy vọng sẽ có một mọt sách nhiệt huyết nào đó tình cờ nhận được sách của mình, đọc những dòng ghi chú đầy cảm xúc và hình dung ra mình đã từng sống, từng đọc, từng yêu, từng vui buồn như thế nào.
“Một bộ sưu tập sách là một hiện tượng tự thỏa mãn, đơn độc, và hiếm khi bạn tìm được người có cùng đam mê với mình. Nếu bạn có những bức tranh rất đẹp, nhiều người sẽ đến ngắm. Nhưng bạn sẽ không bao giờ tìm được ai thực sự quan tâm đến bộ sưu tập sách cổ của bạn. Họ không hiểu tại sao bạn lại quan tâm đến thế cho một cuốn sách chẳng có gì hấp dẫn cả, và tại sao bạn lại phải mất nhiều năm tìm kiếm đến thế”.
Mình vừa đồng ý vừa không đồng ý với lời nói trên của Umberto Eco trong cuốn “Đừng mơ từ bỏ sách giấy”. Mình không đồng ý là vì chỉ cách đây nửa năm thôi, mình vẫn nghĩ tiệm sách cũ chắc không có nhiều điều hấp dẫn được mình. Sách mới dịch, mới xuất bản, còn tinh tươm mùi giấy mực với nội dung mới lạ thì đáng cho mình trông chờ khao khát hơn. Tuy nhiên, sau khi có nhiều cơ hội lui tới tiệm sách cũ, bị mê hoặc bởi hàng hàng lớp lớp sách chất từ sàn đến trần, và quan trọng nhất là rất nhiều sách trong số đó khiến mình muốn đọc, thì mình đã hiểu được vì sao tiệm sách cũ tồn tại được qua nhiều thế kỷ, ở hầu hết các quốc gia. Trước đây, mình đã quá kiêu ngạo khi nghĩ rằng bản thân không cần đến sách cũ. Có ai đọc hết được mọi quyển sách trên đời đâu, cái cũ với người này lại là mới với người khác. Không phải cứ sách cũ là đã lỗi thời, vẫn có những nội dung, những kiến thức có giá trị xuyên thời gian (và chắc là cả không gian nữa). Mình nghĩ những ai khám phá ra giá trị của sách cũ thì đã chính thức bước một chân vào con đường trở thành người đam mê sưu tầm sách, sưu tầm ít hay nhiều tùy thuộc vào khả năng kinh tế.
Còn về chuyện đồng ý với lời nói của Umberto Eco “họ không hiểu tại sao bạn lại quan tâm đến thế cho một cuốn sách chẳng có gì hấp dẫn”, mình cũng gặp không ít người cả đời chẳng biết đến và không hứng thú với sách. Trao cuốn sách tận tay thì họ khó hiểu nhìn mình cứ như cả hai thuộc hai hành tinh khác nhau. Buổi tối thấy mình ngồi đọc sách thay vì đi chơi thì họ nhíu mày khó hiểu và có chút thương cảm vì mình ‘chẳng tìm được niềm vui gì khác trong đời’ 😀 Cho nên, nói về chuyện yêu sách, dường như thế giới chia thành hai nửa, nửa có đọc sách và nửa không đọc sách. Nửa không đọc có số lượng nhiều hơn.
Mình nghĩ dù là con người, sách hay đồ vật, đã từ cõi hư vô đến trong đời thì lúc nào đó cũng sẽ trở về với hư vô. Quan trọng là trong lúc tồn tại trên đời có đem đến cho chính mình và người khác quãng thời gian sống an vui và nhiều điều hữu ích hay không, có khiến người khác cảm thấy sự tồn tại của mình là một phước lành hay không. Với riêng mình, sách là một trong những tình yêu, nhân duyên với sách là sự may mắn, việc đọc sách là cách giải trí, là niềm an ủi, là thuốc chữa lành. Nhưng sách cũng như những điều khác, đều là vật ngoại thân. Đến lúc nào đó cần buông bỏ, thì mình sẽ cố gắng nhẹ nhàng trao đi và cầu mong chúng sẽ đem lại niềm vui + ích lợi cho người khác.
.
Người viết: Biển
Jean-Claude Carriere: nhà văn, nhà viết kịch, biên kịch điện ảnh nổi tiếng người Pháp, người viết kịch bản phim cho các tác phẩm “Cái trống thiếc”, “Đời nhẹ khôn kham”…
Umberto Eco: tác giả cuốn “Tên của đóa hồng”, được dịch ra hơn 45 thứ tiếng.