Bối cảnh câu thơ trên là khi Kiều ở lầu xanh tại Châu Thai, Từ Hải nghe danh tiếng của Kiều nên tìm đến. Từ bấy giờ còn là một khách giang hồ có chí lớn nhưng chưa lập thành đại nghiệp. Trong buổi sơ ngộ, Từ Hải nói với Kiều những lời sau:
“Từ rằng: ‘Tâm phúc tương cờ,
Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
Một đời được mấy anh hùng,
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!”
“Mắt xanh” do từ “thanh nhãn”, ở giữa mắt là tròng đen (hoặc trong xanh, xanh đậm), xung quanh là tròng trắng. Câu thơ này xuất phát từ điển tích bên Trung Hoa: Nguyễn Tịch, người thời nhà Tấn (265~419 TCN) là người rất thích uống rượu và đàn ca. Ông làm quan rồi cáo bệnh về nhà, sau đó kết bạn với một số danh sĩ khác, lập thành “Trúc lâm thất hiền” (bảy người hiền tài trong rừng trúc). Nguyễn Tịch thích tiêu dao. Thơ của ông phần nhiều nói về tình đời, thói đời đen bạc, cảm thán thế sự thăng trầm. Thơ ông nhiều cảm xúc, hơi tối nghĩa và hay lên giọng dạy đời, phản đối Nho giáo. Khi tiếp khách, nếu khách là người ông thích thì ông nhìn thẳng để lộ tròng đen của mắt, còn người ông không thích thì ông nhìn ngang (lườm) chỉ để lộ tròng trắng mắt.
Về sau, người đời dùng từ “mắt xanh” để chỉ sự bằng lòng, vừa ý. Từ Hải hỏi Kiều “Mắt xanh chẳng để ai vào có không”, ý nói là từ khi lưu lạc giang hồ, thân sa vào chốn lầu xanh, nàng chưa gặp được ai khiến nàng vừa lòng thỏa ý, khiến nàng cảm thấy đáng tôn trọng phải không.
“Tâm phúc tương cờ” là lấy tấm lòng thành thực mà đối xử với nhau, nếu giả dối thì xin đừng giao du. Từ Hải muốn cho Kiều biết chàng không phải hạng người trăng gió lông bông, chỉ “chơi hoa cho biết mùi hoa”. Thái độ thẳng thắn của Từ Hải là vừa khẳng định thành ý vừa nhắn nhủ rằng Kiều cũng nên thật lòng với chàng. Sau khi mạnh mẽ quyết liệt thì chàng lại chuyển sang dịu dàng (không thôi Kiều sợ thì sao!), nhẹ nhàng tỏ ra hiểu nàng qua câu “Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”.
Dịu dàng xong thì chàng lại tự tin nói rằng mình là anh hùng chứ không phải hạng tầm thường, chí khí ngất trời chứ không rụt rè bé nhỏ như cá chậu chim lồng. Mình nghĩ đây đúng là cốt cách điển hình của nam nhân từng trải giang hồ, vừa thể hiện được hùng tâm tráng chí vừa biết dùng nghệ thuật thương thuyết để đốn ngã trái tim mỹ nhân. Vào lầu xanh gặp Kiều mà cách xử sự của Từ Hải cũng ngay thẳng, đứng đắn, quả là một nam nhân khiến “khách hồng quần” cảm thấy đáng tin cậy và muốn trao thân gửi phận.
Nói vui một chút, khi tham gia giao thông, “đèn xanh” nghĩa là được phép đi. Vậy mình mạo muội liên hệ “đèn xanh” với “mắt xanh”, suy ra “lọt vào mắt xanh” của ai đó tức là được phép tiến tới, được “bật đèn xanh” để tiếp cận và bắt đầu tìm hiểu họ. Các bạn có nghĩ vậy không? 😉
.
Nguồn tư liệu của bài viết lấy từ cuốn “Điển tích Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Tử Quang.