Mẫu thượng ngàn – bản trường ca da diết về sự sống, về hi vọng mà Đạo Mẫu là một khúc ca rộn ràng và tươi sáng.
Thiên tiểu thuyết đồ sộ có diễn tiến trong thời gian không quá dài nhưng trải rộng trong không gian và trong miền tâm thức, trong sự huyền ảo, kỳ diệu của đất trời, của Đạo Mẫu. Mẫu Thượng Ngàn dày hơn 800 trang không có nhân vật chính, hay nói đúng hơn, nhân vật chính là phong tục của làng quê Bắc Bộ những năm cuối thế kỷ IXX đầu thế kỷ XX với nếp sống xưa cũ, với những tập quán đậm chất làng quê, với nền văn hoá gắn chặt vào lòng Đất Mẹ.
Đọc Mẫu Thượng Ngàn, tôi say mê trong những nét thôn quê hồn hậu, gần gũi với biết bao trìu mến: Những mảnh vườn tạp thân thương, những nhà Nho nho nhã vui thú điền viên, những tiếng chầu nô nức rộn ràng hoà lẫn với thiên nhiên bao la, bát ngát của một miền trù phú. Cuốn tiểu thuyết mới đọc, ta dường như thấy đứt quãng, khi thì kể về cuộc sống lang bạt của gia đình Trịnh Huyền, về những mảnh đời của dân làng Cổ Đình, lúc viết về quá trình xây dựng nhà thờ lớn Hà Nội với những phương pháp thuyết phục thu hút giáo dân của người Pháp, lúc ngược dòng về quá khứ với những câu chuyện huyền thoại, khi sục sôi tươi mới trong khát khao, hi vọng của thế hệ trẻ… chung quy lại đều là những mảnh chắp nối để hoàn thiện bức tranh tuyệt tác và kỳ vĩ .
Trong giai đoạn đen tối của đất nước, trong giai đoạn người Pháp xâm chiếm đất nước bằng vũ khí, bằng tinh thần thượng đẳng của kẻ chinh phục, bằng cách thống trị thâm thuý của cả chính trị và tôn giáo, Nho giáo bị đàn áp và mai một, Phật Giáo bước vào khủng hoảng, người dân vướng vào kiếp nạn một cổ đôi tròng. Họ biết tìm đến đâu, dựa vào đâu để vơi dịu nỗi khổ đau, để thấy lòng hân hoan dù trong khoảnh khắc, để bấu víu, để kêu cầu, để cho hi vọng được thắp lên. Thuận theo lẽ tự nhiên, nhân dân tìm về với Đạo Mẫu “đạo thờ khí thiêng của thiên nhiên, thờ người Mẹ đã sinh ra thế gian này. Thờ như vậy chính là thờ những điều cao quý nhất”. Tiếng nhạc nền nã, tiếng hát trong trẻo ngây thơ làm cho con người say sưa, ngập trong cảm giác thuần khiết và thánh thiện. Trong không khí trang nghiêm và huyền diệu, Mẫu ngự “lặng lẽ ban phát ân huệ cho tất cả mọi người” “ngồi trong toà điện bên cạnh Mẫu, ta khắc tự nhiên nhận được sự ân sủng tốt lành, ấm áp, toả ra từ ánh mắt, từ con người từ bi, hiền hậu của Mẫu, làm cho nỗi lòng của kẻ đang gặp khổ sở được xoa dịu, giúp kẻ bệnh tật tăng thêm sức kháng cự, biến kẻ ác đang có dã tâm trở nên hiền hoà”. Đọc Mẫu Thượng Ngàn, tôi nghĩ ai cũng sẽ tìm thấy vẻ đẹp của Đạo “Đạo nào cũng thế cả thôi. Đạo Giê su cũng như đạo Mẫu. Tất cả đều chỉ là khuyến thiện”, chỉ có những kẻ “buôn thần bán thánh, dùng nơi tôn nghiêm làm nơi kiếm lợi” làm hoen ố danh Đạo.
Chẳng phải ngẫu nhiên, những người con gái, những người đàn bà trong Mẫu Thượng Ngàn đều được tác giả điểm những nét vẽ đầy trân trọng và nâng niu. Từ cô bé Nhụ, kết quả của mối quan hệ ê chề, đến cô Mùi long đong lận đận với ba đời chồng, bà Cô Tổ liệt lẫm, trung trinh đến bà ba Váy mang thân phận nàng hầu, mẹ con thím ba Pháo – mõ làng đầy tủi cực đều hiện lên sinh động, đầy đặn và tràn đầy sức sống. Trong cái xã hội đau thương nửa phong kiến, nửa thực dân, những người phụ nữ nghèo chịu trăm ngàn cay đắng, thế nhưng, thẳm sâu trong tâm hồn họ vẫn luôn bừng cháy khát vọng được yêu thương, được chở che, được dâng hiến. Lần đầu tiên, tôi gặp một Nguyễn Xuân Khánh phồn thực đến thế, sự phồn thực ngập tràn từng ngõ ngách, đường nét. Khát vọng yêu thương, khát vọng hạnh phúc, khát vọng sinh sôi và phát triển được tác giả miêu tả thật có hồn “ Tất cả cây cỏ đều phun hương rắc phấn… thứ không khí được vật chất hoá ấy làm cho con người say say. Nó kích thích khứu giác, khêu gợi não trạng, thức tỉnh các bản năng sinh sôi của muôn vật.” Những người phụ nữ mạnh mẽ, vị tha, họ cũng là bản thể của đức tin, là biểu tượng của sự sinh sôi, thuần khiết, là biểu tượng của tình yêu thương, nhân hậu và chẳng chịu đầu hàng số phận.
Xã hội bấy giờ, đầy rẫy sự bất công. Người Pháp, được chữa trị bằng đủ các loại biệt dược, được chăm sóc chu đáo về vật chất, tinh thần, được phục dịch về mọi mặt. Còn những người dân chỉ biết vái lạy thần linh, vái lạy Đất mẹ với những cái xoa dịu dàng từ ông phù thuỷ – ông hộ Hiếu hay thang thuốc lá lẩu của Cô Mùi. Cái chết tức tưởi của người dân, những sự cam chịu, phục tùng đến nhức lòng là tiếng thở dài não ruột, là nỗi đớn đau mà tác giả viết ra, trong sự kìm nén như của một người chép sử công bình.
Kết chuyện là sự tiếp nối của thế hệ kế cận, là một câu chuyện dài của lịch sử, là sự nhận thức đến từ Huy, từ Xuân, từ Nhụ, Hoa và cả bé Nhị. Có thật là “đã là con người, ai chẳng là con của Mẫu?”
Mẫu Thượng Ngàn được Nguyễn Xuân Khánh viết trong khoảng thời gian 4 năm. Tiền thân của Mẫu Thượng Ngàn là tác phẩm Làng Nghèo – 1 cuốn sách không được xuất bản được ông viết năm 1959. Đến năm 2000, khi đã ở tuổi 71, Nguyễn Xuân Khánh suy tư và phát triển thành thiên tiểu thuyết rộng rãi về không gian vừa huyền bí, vừa sâu sắc. Với bút lực dồi dào, với sự hiểu biết sâu rộng, với văn phong trữ tình đến say đắm, với cách viết biến ảo khôn cùng, Mẫu Thượng Ngàn đã đạt giải Tiểu thuyết Hội nhà văn Hà Nội năm 2006 và trở thành một biểu thượng huyền thoại về lịch sử và văn hoá Việt.
Viết bởi Hồng Khánh, 24-6-2020