Muốn ăn cơm trắng cá kho

~ Muốn ăn cơm trắng cá kho

Trốn cha trốn mẹ xuống đò cùng anh ~

Câu ca dao này xuất xứ từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất Đông Nam Á. Dọc theo các sông, kênh rạch, các vàm của miền Hậu giang từ xưa đã có nhiều “lẫm lúa”* to lớn. Đây là nơi thu hút các ghe thuyền chở lúa của thương lái từ Sài Gòn, Chợ Lớn đến mua về xay xát để xuất cảng đi các nước.

Thương lái thường không nghèo, tiền bạc chứa trong bao tải, cách tiêu pha của họ ai thấy cũng ham. Cơm thì gạo trắng cá kho, chứ không ăn gạo hẩm với rau luộc như giới nông dân, mặc dầu nông dân mang tiếng làm ra hạt gạo để xuất cảng. Thương lái ngày xưa thường ỷ vào đồng tiền mà kiêu căng ngạo mạn với người khác. Ngay cả chuyện trêu gái mà họ cũng đem “cơm trắng cá kho” ra làm vật mồi chài thì không còn gì đáng trách hơn nữa! Sự kiêu căng quá mức đã không giúp họ hiểu được rằng các thiếu nữ dù nghèo nhưng cũng biết trọng nhân phẩm, danh giá. Không ai chỉ vì mưu cầu cuộc sống ăn sung mặc sướng mà dại dột “trốn cha trốn mẹ xuống đò cùng anh”. Nhất là “anh” ở đây là anh trọc phú, coi của trọng hơn người!

muon-an-com-trang-ca-kho-2

Lúc mới đọc câu ca dao trên, mình cứ nghĩ nó thuộc nhóm ca dao ngọt ngào về tình yêu đôi lứa, nhưng đọc phần giải nghĩa xong thì mình hơi bị ngơ ngẩn luôn :). Mà ngẫm kỹ lại thì phần giải thích rất có lý, đây rõ ràng là đem vật chất ra dụ dỗ con gái nhà lành ngây thơ trong sáng. Không thể nói rằng các cô gái ham mê tiền tài, của ngon vật lạ nên “người ta” mới đem vật chất ra mồi chài. Bản chất thông thường của phụ nữ là tìm người đàn ông có thể che chở, chu cấp cho cô ấy và cho con cái của hai người **. Do đó, nếu cô gái quê nhất thời bị cám dỗ bởi “cơm trắng cá kho” và ưng thuận “xuống đò cùng anh” thì đó là tội nghiệp chứ không phải tội nghiệt. Cô ấy chỉ đáng thương chứ không đáng trách.

Gác lại vấn đề căng thẳng trên, mình viết sơ một chút về cách kho cá nha 😀 Mua cá tươi về rửa sạch với muối, làm sạch phần nội tạng (thường phải dùng mũi dao nhọn để cạo và bàn chải đánh răng để chà), sau đó ướp với các gia vị tùy ý. Ngày xưa không có hạt nêm hoặc gia vị phức tạp chế biến sẵn, ông bà chúng ta chỉ toàn ướp muối hoặc nước mắm. Lúc kho, dù là dùng tộ bằng đất, dùng xoong kim loại hay nồi thủy tinh thì cũng đều làm nóng nồi trước, cho dầu ăn vào, đợi dầu sôi tăm thì cho hành tỏi vào phi thơm. Hành tỏi vàng thơm (chưa bị cháy) thì cho cá vào, rưới chút nước sôi. Khâu này cần rất cẩn thận vì cá cho vào dầu sôi luôn bị văng, dễ gây phỏng. Một người bạn của mình còn mặc áo mưa lúc chiên cá hahaha. Sau khi cá và nước sôi đã nằm “êm” trong nồi, hết văng, thì nêm chút đường / mật ong / muối… tùy ý, vặn nhỏ lửa, đậy nắp cho sôi liu riu đến khi cá mềm. Tùy từng loại cá có độ lớn khác nhau mà thời gian kho và cách chỉnh lửa khác nhau, nhưng nhìn chung cách làm thì giống mình vừa mô tả xong. Cá đã kho chín, thơm thì rắc hành lá xắt nhỏ, đậy nắp, nhấc xuống khỏi bếp để nồi cá không bị cạn nước và trở nên mặn chát. Rắc tiêu, dùng nóng với cơm trắng và rau luộc, hoặc thêm nồi canh chua cá để có không khí du lịch biển 😀

muon-an-com-trang-ca-kho-1

Tóm lại, đã sinh ra trong thân phận phụ nữ, dù mong ước tìm được bến đỗ vững chãi sung túc thì cũng luôn phải giữ lòng tự trọng, không để bị lừa đánh mất cuộc đời bởi vài thứ vật chất tiền tài chóng qua. Mình mạn phép cải biến câu ca dao trên như sau:

“Muốn ăn cơm trắng cá kho

Hái rau, bắt cá, đốt lò thổi cơm

Gió lay sợi khói mềm thơm

Bếp hồng lửa ấm dưới vòm lá xanh”.

.

* Lẫm lúa: kho chứa lúa, kho chứa lương thực

** Để tìm hiểu sâu về vấn đề này và kiểm chứng những gì mình viết, mời các bạn tìm đọc cuốn “Tại sao đàn ông thích tình dục và phụ nữ cần tình yêu” của hai tác giả Allan & Barbara Pease.

 

Bài viết lấy tư liệu và được truyền cảm hứng từ cuốn Từ điển Thành ngữ – Tục ngữ – Ca dao Việt Nam của tác giả Việt Chương. Hình minh họa lấy từ Internet. Những dòng thơ ngắn cuối bài được ứng tác bởi moderator của page Bá Tân sách 😎

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp