Giữa những khuôn mặt trí thức yêu nước Việt Nam nửa sau Tk. XIX, Nguyễn Trường Tộ (N.T.Tộ) hiện ra như một diện mạo phi thường và đặc biệt. Phi thường vì ông là một trong số rất ít người VN thời phong kiến có được tri thức văn hoá và phương pháp tư duy xây dựng trên nền tảng kiến thức về lịch sử và xã hội chính trị và kinh tế, khoa học và kỹ thuật đạt tới trình độ quốc tế đương đại; và đặc biệt, vì ông đã thất bại trong các hoạt động cứu nước chủ yếu với tư cách một học giả đồng thời trên cương vị một nhân sĩ mang tư tưởng canh tân.
[…] Trong các tác phẩm hiện được biết tới của N.T.Tộ, những điều trần gởi cho chính quyền chiếm một số lượng lớn, trong đó nổi bật là những điều trần về việc canh tân đất nước – bộ phận tác phẩm thể hiện chính xác và trọn vẹn tư tưởng và tài năng của ông. Khởi đi từ quan niệm cho rằng VN không đủ sức mạnh cần thiết để giữ vững độc lập trước nỗ lực mở rộng thị trường của chủ nghĩa tư bản phương Tây, N.T.Tộ đã đưa ra chủ trương tạm hoà với giặc ngoại xâm đồng thời vạch ra cả một chương trình canh tân để chấn hưng đất nước.
[…] Phải thừa nhận rằng với chủ trương tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội của quốc gia phong kiến, những người yêu nước như N.T.Tộ cũng đã giương được một ngọn cờ, nhưng vì nhiều lý do, họ lại không tập hợp được quanh ngọn cờ của mình một lực lượng cần thiết để thực sự biến tư tưởng canh tân thành một phong trào xã hội. […] Chính vì thiếu một lực lượng xã hội làm hậu thuẫn chính trị trong đời thường, nên khi không thành công trong việc tạo ra những tiền đề chính trị làm cơ sở xã hội tại cung đình, tư tưởng của họ chỉ còn là ước mơ và lý thuyết của họ chỉ còn là ảo tưởng. Có lẽ đây còn là một trong những lý do chủ yếu khiến cho sau khi mất, N.T.Tộ hầu như hoàn toàn rơi vào quên lãng và chỉ bắt đầu được nhắc tới khi những trào lưu canh tân mới ở Việt Nam được dấy lên với những Minh tân, Duy Tân, Đông du, Đông kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX.
[…] Công bằng mà nói, xã hội VN thời N.T.Tộ quả chưa hội đủ những điều kiện cho một cuộc cách mạng, nhưng lịch sử VN lúc ấy lại không thể đợi chờ những kết quả canh tân. Cho nên, trên phương diện lý thuyết, hệ thống các ý kiến canh tân đất nước của N.T.Tộ là một đề xuất phi thường, song cũng chính vì vậy mà ông phải nhận lấy sự thất bại và thất vọng khác hơn nhiều người yêu nước VN cùng thời đại. Với hoài bão lớn lao, tài năng lỗi lạc và nhiệt huyết sôi sục của mình, ông vẫn không thể vượt qua những giới hạn khắc nghiệt của lịch sử về phương tiện, thời gian và phương thức để thành công trên con đường canh tân đất nước. Mặc dù vậy, bên trong không gian thực tiễn được quy định bởi ba chiều giới hạn ấy, ông cũng đã hoạt động và thất bại như một người trí thức yêu nước chân chính.
(Lược trích từ “Nguyễn Trường Tộ trong giới hạn và thất bại của trào lưu canh tân đất nước nửa sau thế kỷ XIX” của NCC Cao Tự Thanh, in trong kỷ yếu hội thảo khoa học “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước”, Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, 1992)