NHÀ VĂN HỒ BIỂU CHÁNH ƯA BIỂU TỎ CÁI CHÁNH ĐẠO

Nhà văn Hồ Biểu Chánh có tên thật là Hồ Văn Trung. Theo giấy khai sinh thì ông sinh ngày 01/10/1885; ông qua đời vào ngày 04/9/1958 tại tư gia hiện nay toạ lạc ở quận Gò Vấp. Ông là nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ giai đoạn đầu thế kỷ XX. Nếu tính riêng tiểu thuyết thì ông đã để lại cho đời ít nhất 64 tác phẩm đã in thành sách, và nhà văn đặc biệt thành công với thể loại tiểu thuyết phóng tác; bên cạnh đó, ông còn sáng tác thơ, viết kịch bản sân khấu, truyện ngắn, khảo cứu. Trong các tác phẩm của ông, người đọc đều dễ dàng nhận ra nhà văn Hồ Biểu Chánh đang lấy cái mới hay của phương Tây để phát huy cái vốn văn hoá rất riêng của Việt Nam. Trong thư gửi con, nhà văn đã viết: “Sự nghiệp của ba còn lại cho các con hiện thời chỉ có một tấm gương thẳng ngay và trong sạch mà thôi.” Quả thật, từng trang văn của ông đều tập trung khắc hoạ nên một lối sống thẳng ngay và trong sạch, đúng như ý nghĩa bút danh thể hiện: biểu chánh là tỏ rõ cái chánh đạo.

Nhưng cái chánh đạo ấy cụ thể là gì? Dưới đây là một số nhận định từ giới nghiên cứu.

 

Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (Quyển 2), Thăng Long in năm 1959

“Thật thế, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là những tiểu thuyết đầy động tác, việc nọ việc kia dồn dập, gây cho người đọc những cảm tưởng kỳ thú. Nếu đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh mà lại chê là kém mặt tả tình và về tưởng tượng không được dồi dào, thì thật không biết xét nhận. Tính tình của người ta biểu lộ ra ở lời nói đã đành, nhưng nó còn biểu lộ ra ở cả mọi sự hành động nữa, mà biểu lộ ra ở hành động mới thật đầy đủ, mới thật là những tính tình đã trải qua thời kỳ tranh đấu và chọn lọc trong tâm trí. Về đường tâm lý, nếu tính tình cùng tư tưởng chỉ ở trong tâm trí và chỉ diễn ra được đến lời nói là cùng, tức là có bệnh về đường ý chí. Bởi vậy, qua một thời kỳ dự định, phải đến một thời kỳ quyết định và hành động mới được. Một thiên tiểu thuyết mà động tác dồn dập bao giờ cũng là một thiên tiểu thuyết kỳ thú. Chỉ khó một điều là tác giả phải biết “khiến việc”, cũng như một viên tướng phải biết cầm quân trong khi số quân hàng vạn hàng triệu, đừng để đến nỗi có sự rối loạn.”

 

Vào ngày 29/9/2024, nhân kỷ niệm ngày giỗ của nhà văn Hồ Biểu Chánh, chuỗi trò chuyện VIẾT NÊN NHỮNG TRANG SỬ sẽ tiếp tục số thứ 2 với chủ đề về văn chương Hồ Biểu Chánh. Buổi này hướng đến việc khơi dậy nơi các bạn trẻ lòng tò mò và ham thích đọc tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, mà trong từng trang văn của ông luôn chất chứa các bài học sống ở đời vẫn còn giá trị cho đến tận hôm nay. 

 

Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, NXB Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tái bản năm 2023.

“Hồ Biểu Chánh chủ trương trai gái phải được tự do kết hôn. Tình yêu mới là yếu tố quan trọng của hôn nhân, còn sự giàu nghèo, sang hèn, bất đồng tín ngưỡng, chênh lệch học thức không phải là những trở ngại. Trai gái yêu nhau, nếu lỡ có thai hoặc chung sống với nhau trước khi cưới hỏi, cha mẹ không nên quá nghiêm khắc khiến con cái phải chịu khổ sở. Mặt khác, tự do hôn nhân còn tránh được sự ngoại tình.”

“Hầu hết truyện của ông đều dẫn đến một kết cục có hậu, thiện bao giờ cũng thắng ác đúng theo sự tin tưởng của nhiều người: ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ hay thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Lại nữa, lòng thương người, sự rộng lượng, sự tu thân lập chí, sự hiếu hạnh, sự cải tà quy chánh của các nhân vật và cả những lời giảng giải luân lý của tác giả đầy dẫy trong truyện.”

 

Huỳnh Thị Lan Phương và Nguyễn Văn Nở, “Cảm hứng thế sự – Điểm gặp gỡ và khác biệt giữa tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh với tiểu thuyết miền Bắc giai đoạn 1900-1930”, trong tạp chí Nghiên cứu Văn học số 4, 2010, Viện Văn học, tr.35-53.

“Hồ Biểu Chánh chủ trương dung hoà cũ mới, hoà hợp Á-Âu, trong mức độ không rời xa truyền thống. Quá cứng nhắc theo phong kiến, con người sẽ chuốc lấy nỗi khổ không ít. […] Mà buông thả với lối sống tự do là không thể chấp nhận được, hơn nữa lối sống đó cũng chưa mở ra cho người đời một viễn cảnh hoàn toàn tốt đẹp.”

 

Huỳnh Thị Lan Phương, “Sự kế thừa và đổi mới quan niệm về con người trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh”, trong tạp chí Khoa học số 17b, 2011, Trường Đại học Cần Thơ, tr.16-27.

“Nhân vật trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh sống theo đạo đức và sống vì đạo đức. Họ có thể dẹp bỏ tất cả những ham muốn và quyền lợi cá nhân để thực hiện tốt những chuẩn mực về đạo đức. Nhân vật chính diện trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đều là những nhân vật sống vì chữ hiếu, chữ nghĩa, chữ tiết. Ngược lại, nhân vật phản diện, người xấu đều là những kẻ bất nhân phi nghĩa.”

“Con người cá nhân trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh ý thức rõ về nỗi đau và hạnh phúc đời thường. Là người ai cũng có nỗi khổ riêng. Người nghèo thường khổ, mà người giàu cũng khổ. Kẻ có học và người thất học đều cùng biết khổ. Có cái khổ do hoàn cảnh đưa đến nhưng cũng có khi do con người tự tạo ra cho mình. Hạnh phúc không dễ dàng có được mà đau khổ cũng không nhanh chóng biến mất. Thế nhưng, không vì cảm nhận vấn đề trên mà con người trở nên bi quan, tuyệt vọng. Con người cá nhân trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh tin vào luật nhân quả, vào quan niệm thiện thắng ác.”

Một số tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh được trưng bày tại Bá Tân Sách – Chi nhánh Đường sách Tp. Thủ Đức

***

Vào ngày 29/9/2024, nhân kỷ niệm ngày giỗ của nhà văn Hồ Biểu Chánh, chuỗi trò chuyện VIẾT NÊN NHỮNG TRANG SỬ sẽ tiếp tục số thứ 2 với chủ đề về văn chương Hồ Biểu Chánh. Buổi này hướng đến việc khơi dậy nơi các bạn trẻ lòng tò mò và ham thích đọc tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, mà trong từng trang văn của ông luôn chất chứa các bài học sống ở đời vẫn còn giá trị cho đến tận hôm nay. 

Thông tin chi tiết về buổi trò chuyện này sẽ được công bố trong thời gian ngắn sắp tới. Mời bạn đón chờ và sắp xếp tham dự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp