NHÌN LẠI VNNTS #3: NGUYỄN TRƯỜNG TỘ ĐEM HAI TRÍ MÀ ĐỊCH MỘT TRÍ

“Đem hai trí mà địch một trí” chính là một vẻ đẹp sáng lấp lánh nơi con người Nguyễn Trường Tộ, mà theo tác giả Từ Ngọc Nguyễn Lân, là “người sáng suốt nhất, học thức nhất, can đảm nhất, tài hoa nhất”. Trong buổi trò chuyện “Viết nên những trang sử” – chủ đề 3: TƯ TƯỞNG CANH TÂN CỨU NƯỚC CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, diễn giả Bùi Trân Phượng và nhiều bạn trẻ đã có những chia sẻ rất ý nghĩa và đầy thao thức về vẻ đẹp sáng lấp lánh kia.

 

Đem hai trí mà địch một trí

Trong bản di thảo “Lục lợi từ” (1864), Nguyễn Trường Tộ đã viết rằng: 

“Ta đã học hết cái thuật của họ (…), lấy cái trí tuệ vốn có sẵn của chúng ta thêm vào cái trí tuệ ta mua được của họ. Đất là đất của ta, mượn cái trí xảo của họ càng ngày càng già nua còn cái trí xảo của ta thì mới mẻ trẻ trung, đem hai trí mà địch lại một trí, lẽ nào không thắng được?”

Với những lời này, Nguyễn Trường Tộ đã cho người cùng thời và cả chúng ta ngày nay thấy được ông đã tiến bộ thế nào. Ông đã vượt ra khỏi vòng kìm kẹp của những suy nghĩ lỗi thời lúc bấy giờ. Ông không thượng tôn hay chê bác cái học của bên nào, nhưng cân bằng giữa cái học của ta và cái học của người. Ngay cả trong cái học của ta, ông còn sáng suốt nhấn mạnh đó là “cái trí tuệ vốn có sẵn” của dân tộc chứ không phải cái trí của Tống Nho dưới thời triều Nguyễn.

 

Cả cuộc đời của ông là một minh chứng hùng hồn cho thế quân bình hài hoà ấy. Ông bắt đầu học chữ Nho từ năm 17-18 tuổi, sau đó được học chữ Pháp, rồi được cùng giám mục Gauthier (tức Ngô Gia Hậu) đi nước ngoài. Tận dụng cơ hội ấy, ông đã tự học và học được rất nhiều khoa học – kỹ thuật của người Tây; những kiến thức này sau đó đã đi vào các kiến nghị canh tân của ông. Tuy trong các điều trần, ông luôn đề xuất nhiều điều có vẻ như “Tây hoá” nhưng thực chất mọi điều luôn đặt nền trên triết lý tư tưởng vốn có của người Việt. Đó là sự khéo léo và quân bình của ông, ít người có thể bì kịp.

 

Tư duy ngoài khuôn khổ

Trong phần chia sẻ của mình, khi phân tích tư tưởng “đại thế trong thiên hạ” của Nguyễn Trường Tộ, diễn giả Bùi Trân Phượng đã nhấn mạnh vào hai chữ “tung hoành” mà chính Nguyễn Trường Tộ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các điều trần của mình. Trước hết, hai chữ “tung hoành” ấy có nghĩa là ngoại giao, tức hướng đến việc giao thiệp với nhiều nước để hưởng lợi từ quan hệ liên minh đa phương. Cụ thể, Nguyễn Trường Tộ đã đề xuất triều đình Tự Đức lợi dụng những mâu thuẫn bên trong nước Pháp và giữa Pháp với Anh, để tạo nên sự liên minh đa phương với nhiều nước Âu châu (như Tây Ban Nha, Nga, Phổ); đồng thời nên phối hợp hành động với các quốc gia Á châu (như Xiêm, Campuchia).

Diễn giả cho biết nếu chỉ hiểu hai chữ “tung hoành” theo nghĩa đó thôi thì vẫn chưa đủ, nếu đặt trong nhiều văn cảnh của các điều trần. Diễn giả chia sẻ, nhờ sự gợi mở của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, chữ “tung” còn có âm đọc là “túng” (trong “phóng túng”), “hoành” còn là “hoạnh”, nghĩa là ngang ngạnh. Hai chữ ấy theo giáo sư Hãn còn có nghĩa là “đi theo bất kỳ hướng nào, thực hiện bất kỳ ý tưởng nào, không bị giới hạn bởi bất cứ cái gì, hành động tự do phóng túng, không ràng buộc, không định kiến; tung hoành nhấn mạnh sự đa dạng trong hành động không thiên kiến; người ta có thể tung hoành trong bất kỳ tình huống nào” (cf. Hoàng Xuân Hãn, Memoire, II-116), tức là tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ vốn có. 

Đây cũng là điều dễ hiểu. Sự kiện Pháp đánh Việt Nam là một sự kiện “ngoài khuôn khổ” trước giờ: lâu nay Việt Nam chỉ biết đến một nước lớn ở phương Bắc, giờ đây có một nước lạ từ phương Tây đến, với vũ khí và khoa học tiến bộ. Đứng trước một sự kiện “ngoài khuôn khổ” như thế thì những kinh nghiệm “trong khuôn khổ” không đủ để giải quyết. Nguyễn Trường Tộ đã nhìn ra được điều đó, chính tư tưởng “đem hai trí mà địch một trí” thể hiện rõ nhất nhận thức vượt bậc ấy.

 

Hoà nhiều trí mà tiến về phía trước

Cô Bùi Trân Phượng đã đặt một câu hỏi cho các khách tham dự buổi trò chuyện, cách riêng là các bạn trẻ: Liệu bạn trẻ thời nay có thể nói khác đi và xa hơn về điều mà Nguyễn Trường Tộ đã nói không? Với câu hỏi này, nhiều bạn trẻ đã khởi đi từ kinh nghiệm sống của mình, chia sẻ những góc nhìn thú vị và rất giá trị. Đa phần các bạn đều thấy được rằng câu chuyện của thế giới ở thế kỷ XXI không còn là câu chuyện của “địch”, của đối đầu nữa, nhưng là dung hoà những khác biệt. Những khác biệt ấy không chỉ gói gọn trong mối quan hệ song phương ta với người, mà mở rộng thành đa phương. Nhất là, người trẻ Việt hiện nay cần để tâm tìm hiểu các nước nhỏ trong khu vực, để tạo thêm kết nối hầu đứng vững trong vòng xoáy đối đầu giữa các nước lớn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp