Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky (1821-1881) cùng với Lev Tolstoy được xem là một trong hai nhà văn Nga vĩ đại thế kỷ 19. Các tác phẩm của ông không chỉ là những truyện về con người Nga thời ông sống cùng mọi thứ bi kịch của họ; nhưng hơn hết, các sáng tác ấy còn là những luận đề triết học sâu sắc mà ông đã đặt ra, do đó chúng chạm đến cả nhân loại này.
Dưới đây là 5 trong số những tác phẩm nổi bật của Dostoyevsky đã được dịch sang tiếng Việt.
TỘI ÁC VÀ HÌNH PHẠT
Tiểu thuyết bi hùng kịch “Tội Ác và Hình Phạt” của Dostoievski thật khó hiểu như cuộc đời. Quả vậy, không một nhân vật nào trong truyện là đơn giản. Chủ nghĩa vô thần không thể nào giải thích được tâm trạng của Raskolnikov. Người sinh viên ấy là một sản phẩm lạ lùng của toàn bộ hoàn cảnh: thời thơ ấu sống ở thôn quê, một đứa bé hiếu thảo, có khối óc thông minh vượt bậc (sự kiện này được mẹ chàng chứng minh hết sức rõ ràng), và cách sống của chàng, v.v…
Dù rằng Raskolnikov biểu dương những tư trưởng mà Dostoievski nhận thấy có hại và đáng lên án, người sinh viên ấy vẫn có được những khía cạnh đáng thương. Loujine cũng vậy, mặc dù bản chất ghê tởm từ đầu chí cuối, mặc dù không bao giờ tự nhận xét được lấy mình – Dostoievski rất ghê tởm thứ người này – Loujine vẫn biểu dương được những khuynh hướng, biểu dương được một lối sống tuyệt đối tương phản: con người kinh doanh dưới chế độ tư bản.
ANH EM NHÀ KARAMAZOV
Tôi cảm thấy phân vân khi đi vào sự tường thuật tiểu sử của nhân vật chính Aliocha. Đúng thế, mặc dù tôi cho đó là nhân vật chính của tôi, tôi biết rằng nhân vật ấy không phải là một con người lớn lao gì. Vì thế cho nên tôi thấy trước thế nào cũng có những câu hỏi như loại sau đây: “Aliocha có gì đặc biệt đáng chú ý mà được chọn làm nhân vật chính của truyện? Kẻ ấy đã làm gì? Ai biết y và biết để làm gì? Chẳng hạn tôi là độc giả, tại sao tôi phải mất thì giờ bỏ ra để nghiên cứu, tìm hiểu cuộc sống của kẻ ấy?”
Câu hỏi cuối cùng chính là câu hỏi khó trả lời nhất, bởi vì tôi cũng chỉ có thể trả lời như sau: “Có lẽ đúng thế, nhưng xin cứ đọc đi rồi tự ngài sẽ thấy kẻ ấy ra sao.” Thế rồi sau khi đọc, người ta vẫn không tìm thấy nhân vật kia có gì đặc biệt đáng chú ý cả? Tôi nói điều này ra bởi vì, khốn nỗi, chính tôi cũng đã thấy được trước như thế. Đối với cái nhìn của tôi, nhân vật ấy đáng được chú ý nhưng tôi rất ngại có thể đi đến được chỗ thuyết phục người đọc. Sự kiện rõ ràng là kẻ ấy hành động, nhất định thế, nhưng hành động bằng một cách mơ hồ và tối tăm. Vả lại, ở trong thời đại của chúng ta, đòi hỏi con người ta phải hành động rõ ràng minh bạch là một đòi hỏi kỳ lạ! Dù sao, có một điểm không thể ngờ vực được: đó là một con người lạ lùng, có thể nói là xuất sắc. Nhưng dù cho thế, thiết tưởng cũng chẳng có gì phải chú ý đến cả, nhất là khi mọi người đang cố gắng điều hòa những cá tính để rút ra ở tính chất phi lý của tập thể một ý nghĩa tổng quát. Một con người đặc sắc, lạ lùng, trong nhiều trường hợp, đó là vấn đề của một cá nhân đứng hẳn ra ngoài tập thể, có đúng thế không?
LÁ BÓNG HAY LÀ HÌNH
Được xuất bản vào năm 1846, “Là Bóng hay là Hình” vẫn là hình ảnh con người trong cái nhìn lạ lùng của Dostoievski, ném ánh mắt tinh tế vào tận nẻo thâm cùng của tâm hồn con người, những tâm hồn độc đáo, bất thường, bệnh hoạn.
Golyadkin, nhân vật của câu chuyện, và “cái bóng sống thực” của y, cho ta thấy sự hoảng hốt ngỡ ngàng của con người về chính mình: rất gần mà rất xa, thân thiết mà hận thù, thật một mà quả là hai, rất hai nhưng chỉ là một. Nhưng mỗi chàng Golyadkin là một mẫu người: Nếu Golyadkin một là tích lũy của những dồn nén ẩn ức, thì Golyadkin hai là sự giải tỏa những ẩn ức dồn nén đó; nếu Golyadkin một là con người trong sạch (theo cái nghĩa gần như sơ khai, nguyên thủy) thì Golyadkin hai là một người tạo ra bởi những giả đồi của xã hội văn minh. Và tâm hồn què quặt của Golyadkin là bãi chiến, là sự giằng co giữa hai con người đó.
Nhưng trong cuộc chiến này không bên nào có thể tiêu diệt hoàn toàn đối thủ của mình.
LŨ NGƯỜI QUỈ ÁM
“Lũ người quỉ ám” là cuốn tiều thuyết về ý thức hệ sâu sắc và vĩ đại nhất thế giới. Bằng trực giác tiên tri của nhà nghệ sĩ, Dostoyevsky đã mô tả tất cả những mâu thuẫn tư tưởng của Tây phương từ năm 1871, mà đến nay chúng ta mới sống trọn vẹn: xung đột giữa chủ nghĩa tự do và xã hội, giữa giáo hội và vô thần, giữa tinh thần quốc gia và giấc mơ thế giới đại đồng, giữa bạo động cách mạng và sự tôn trọng phẩm giá con người…
Tác giả dự định là kiệt phẩm để đời đó của ông sẽ mang nhan đề “Lời tự thú của một kẻ trọng tội”. “Lũ người quỉ ám” có thể coi là lời tự thú của Dostoyevsky. Còn trọng tội ở đây là sự mê lầm hồi tác giả còn thanh niên, nhắm mắt chạy theo Tây phương mà bỏ quên những giá trị tình thần của dân tộc Nga. Dostoyevsky muốn viết ra để cảnh cáo những thanh niên cùng mắc bệnh như ông lúc trước, nghĩa là bị “quỉ ám”. Liều thuốc ông đưa ra để trị bệnh này là việc quay về phục hồi truyền thống đạo đức và xiển dương tinh thần đại đồng mà tác giả cho là sứ mệnh của nước Nga.
ĐẦU XANH TUỔI TRẺ
“Đầu xanh tuổi trẻ” là một trong năm pho trường thiên tiểu thuyết vĩ đại của Dostoyevsky mà tài nguyên phong phú còn được chôn giấu kín đáo nhất. Xét về nội dung, ta thấy các vấn đề mà ông đã đề cập ở các tác phẩm trước ông đều thâu tóm nhào nặn lại. Chính vì vậy mà “Đầu xanh tuổi trẻ” mới là mảnh đất thích hợp cho suy tư hơn là cho bồng bột sôi nổi, nơi đây tất cả tư tưởng co rút lại, dò dẫm và xoáy tròn. Có lẽ, ý tưởng đam mê dựng một trường thiên dài hàng năm ngàn trang mà tác giả còn bỏ dở để định lại tất cả bảng giá trị văn minh Tây phương và đưa ra một đường lối tổng hợp của sứ mạng dân tộc ông, đã cuốn hút ông mãnh liệt nhất trong giai đoạn này.