NỖI BUỒN CHIẾN TRANH – BẢO NINH | TÍNH NGHỆ THUẬT CỦA VĂN HỌC PHẢN CHIẾN

Bạn đã đọc “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh chưa?

Trái với những vinh quang hào hùng, thắng lợi vẻ vang được gắn liền với người lính bộ đội cụ Hồ – những vị anh hùng đã mang hòa bình về lại trên mảnh đất quê hương, chiến tranh vẫn còn những mặt trái tàn khốc và nghiệt ngã của nó. Cuộc chiến khép lại, có người thắng kẻ thua, nhưng sự thật là chẳng có ai thắng cả.

Vô số người ôm ước mơ, hoài bão, khát khao sống đầy mãnh liệt nhưng rồi phải ngã xuống, mãi mãi hòa vào lòng đất. Niềm đau mất mát của những người thân nơi hậu phương đầy chua xót. Đồng thời, bộ đội cũng là người trần mắt thịt, cũng có những khía cạnh trần trụi như bao cá nhân khác trong xã hội. Tất cả nguyên liệu trên đều đã được khai thác khéo léo qua ngòi bút của Bảo Ninh.

nỗi buồn chiến tranh

Bảo Ninh và “Nỗi buồn chiến tranh” – cuốn tiểu thuyết đưa văn chương Việt ra thế giới 

Bảo Ninh (tên thật Hoàng Ấu Phương) sinh ngày 18 tháng 10 năm 1952 tại Nghệ An. Là con trai của giáo sư Hoàng Tuệ – một trong những người góp phần dựng xây nền móng cho ngành ngôn ngữ học ở Việt Nam từ năm 1954, không bất ngờ khi nhà văn thừa hưởng nền tảng ngôn ngữ của cha mình và ở khía cạnh này Bảo Ninh luôn được đánh giá rất cao bởi cả giới chuyên môn lẫn bạn đọc bốn phương.

Thời gian nhập ngũ từ năm 1969 đến năm 1975 đã cho nhà văn những trải nghiệm chân thực nhất về chiến tranh. Ông từng chia sẻ rằng nếu không sống đời bộ đội, sẽ không có Bảo Ninh viết văn, và viết về chiến tranh chính là liệu pháp chữa lành cho những đau từ sâu bên trong quá khứ Thời đổi mới đến, văn nghệ được phép “tự do”, thế là Hoàng Ấu Phương bắt đầu viết…

Ra đời vào năm 1987 dưới tên “Thân phận của tình yêu”, “Nỗi buồn chiến tranh” sớm tạo được tiếng vang ở văn đàn, đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 và được dịch ra tiếng Anh năm 1993. Trong quá khứ, cuốn sách đã từng gây nên rất nhiều tranh cãi và không được xuất bản trong quãng thời gian nhiều năm. Hiện nay, với sự công nhận và đón đọc của lượng lớn độc giả không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế, có thể nói ”Nỗi buồn chiến tranh” đang ở chính xác vị thế mà cuốn sách xứng đáng.

“Nỗi buồn chiến tranh” là những ký ức thời chiến của một cựu binh tên Kiên, hiện lên trong dòng ý thức của nhân vật này một cách bất chợt, không theo trình tự thời gian.

Đó có thể là khoảng thời gian Kiên còn trên chiến trường Tây Nguyên, chứng kiến hết đồng đội này đến đồng đội khác, rồi đôi khi là cả kẻ địch, đổ gục trên vũng máu sau những tiếng bom đạn. Đó có thể là sự tiếc thương vô hạn, đôi khi là suy sụp vì mất người thân của những người may mắn được sống. Trên hết, đó là mối quan hệ của anh với cuộc chiến, với những người xuất hiện trong đời anh, đặc biệt nhất có lẽ là bố Kiên, người đàn bà câm ở trên gác mái, và Phương – mối tình đầu đầy day dứt của Kiên.

“Nhưng mỗi người trong chúng tôi bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng, mỗi người ngay từ ngày đó đã mang trong lòng một cuộc chiến tranh của riêng mình nhiều khi hoàn toàn khác với cuộc chiến đấu chung, những nhìn nhận mà sâu trong lòng cực kỳ khác nhau về con người, về thời đại chiến trận, và đương nhiên mỗi người một số phận hậu chiến. Có thể nói chúng tôi giống nhau ở chỗ là hoàn toàn khác nhau trong cái vẻ hoàn toàn giống nhau trong quá trình nặng nề đeo đuổi cuộc chiến. Nhưng chúng tôi còn có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi trong cảnh chém giết triền miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, những đầu lê, những ám ảnh bạo lực và bạo hành, để bước trở lại con đường riêng của mỗi cuộc đời có lẽ chẳng sung sướng gì và cũng đầy tội lỗi, nhưng vẫn là cuộc đời đẹp đẽ nhất mà chúng tôi có thể hy vọng, bởi vì đấy là đời sống hòa bình.”

nỗi buồn chiến tranh

Nét đẹp nào của “Nỗi buồn chiến tranh” dưới ngòi bút Bảo Ninh?

Lấy điểm nhìn chính là nội tâm của Kiên, “Nỗi buồn chiến tranh” đã khắc họa được rõ từng cung bậc cảm xúc của người lính trong một thời kỳ gian khổ và đầy những biến động.

Theo dòng ý thức của Kiên, có thể thấy được sự phẫn uất của anh trước tội ác mà kẻ địch gây ra với những người vô tội, nỗi niềm bồi hồi, đồng cảm với cấp dưới khi rơi vào rung động của tình yêu, và cả những bối rối khi lần đầu vấp phải những xấu xa, tăm tối của con người khi phải đối diện với việc bị chiến tranh đẩy vào đường cùng. Kiên giàu lòng trắc ẩn, nhưng đáng buồn thay, sau khi giải ngũ, tâm hồn ấy lại bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của nỗi đau quá khứ mãi không thể thoát ra.

Được kể bằng một mạch phi tuyến tính, các sự kiện trong tiểu thuyết không hề rời rạc, trái lại còn liên kết với nhau thành một tổng thể hết sức hoàn chỉnh. Bảo Ninh đã rất tài tình trong việc đi từ những bức bối ở thực tại của Kiên, dần dần trở về không gian chiến trận, cảnh trường lớp hay khu nhà ở mà Kiên đã có rất nhiều kỷ niệm thời tiền chiến, rồi lại uyển chuyển quay ngược trở về thực tại.

Nhân vật trong những đoạn truyện dù xuất hiện nhiều hay ít cũng được xây dựng có chiều sâu và để lại được ấn tượng rõ nét. Những tên lính ngụy tha thiết khẩn cầu được sống khi đã rơi vào họng súng của quân ta, bố Kiên – một họa sĩ sinh ra vào không đúng thời và bị xã hội “ruồng bỏ” – cố thực hiện lý tưởng của mình vào những ngày cuối đời, và đặc biệt nhất có lẽ là Phương – mối tình đầu của Kiên – vẫn hiên ngang bước tiếp sau những tủi nhục cùng vết thương chiến tranh gây ra.

Như đã nói ở trên, khả năng sử dụng ngôn từ của Bảo Ninh thuộc hàng bậc thầy. Từng hình ảnh được nhà văn mô tả qua con chữ hiện lên rõ mồn một trong tâm trí người đọc. Từ cánh rừng mà Kiên từng hành quân, khung cảnh Hà Nội tĩnh lặng chuẩn bị chia tay bao thế hệ lên đường không hẹn ngày trở lại, cho đến  những góc khuất ở Sài Gòn – nơi mà kẻ địch lẩn trốn chực chờ nổ súng – vào ngày giải phóng…

Từng câu văn đều toát ra vẻ tỉ mỉ, chỉn chu nơi tác giả. Cách mà Bảo Ninh sử dụng nhiều câu mà trong đó chỉ có duy nhất một danh từ hay tính từ càng tô điểm thêm sự cô đọng nhưng cực kỳ gợi cảm trong văn chương của ông.

“Nhưng, đúng là không thể quên được gì hết, bởi vì đau buồn là một thể nguyên khối suốt cuộc đời, liền một mạch từ thuở thơ ấu, qua chiến tranh đến bây giờ. Và có lẽ để nhận lấy đau khổ, mà người ta được sinh ra ở trên đời này, cũng vì đau khổ mà người ta phải sống, phải mưu cầu hạnh phúc, phải đến với tình yêu, với nghệ thuật, phải tận hưởng phải chịu đựng đến cùng cuộc sống.”

Khi trang cuối của “Nỗi buồn chiến tranh” khép lại, một niềm tiếc nuối miên man sẽ là dư vị đọng lại trong tâm trí người đọc. Sự tương phản của thời bình ngày nay với cái khắc nghiệt của thời chiến – vốn được lấy từ chính những kí ức thật của nhà văn – sẽ tạo nên một trải nghiệm đọc có một không hai.


Với mục tiêu lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến với nhiều người, Bá Tân Sách hiện đang thu mua những cuốn sách cũ. Để có thể bán sách cũ, bạn có thể liên hệ Bá Tân sách hoặc liên hệ qua hotline 0962 936 310. Follow page để biết thêm nhiều điều hay ho về sách nhé !

Ghé thăm web http://batansach.com để biết thêm nhiều thông tin hữu ích

Follow Tik Tok: @batansach và @hieusachcuatan để xem thêm nhiều nội dung hấp dẫn

Page mua bán sách cũ: @Bá Tân – Sách cũ thư viện

Tìm sách và mình tại: 451/22 Hai Bà Trưng, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TPHCM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp