Người viết: Minh Phát
“Chiến tranh” là điều gì đó vừa xa lạ cũng vừa thân quen. Nó được nhắc đi nhắc lại trong những bài học lịch sử, những bản tin tức, nhưng cũng thật xa lạ vì thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay chưa một lần phải chứng kiến một cuộc chiến tranh thật sự. Những cuộc chiến trên đất nước Việt Nam đã đi vào trong quá khứ, trong những trang sử và chỉ có thể được tái hiện lại trong những viện bảo tàng; và những hiện vật, những ngôn từ chưa bao giờ có thể cho con người ta thấy “chiến tranh” thật sự là gì. Chỉ có những người đã từng sống trong chiến tranh’ mới có thể hiểu rõ rằng nó có thể hào hùng, vinh quang nhưng cũng có thể là mất mát, chia ly hay nỗi buồn. Mỗi người đều có những góc nhìn khác nhau về những cuộc chiến, nhất là thế hệ được sinh ra trong thời bình. Vì lẽ thế, những người chưa bao giờ trải qua chiến tranh khi tiếp cận với những câu chuyện về chiến tranh cần có được một thái độ cởi mở và khách quan: hãy coi những câu chuyện ấy như một góc nhìn và đừng coi góc nhìn ấy như một chân lý. Một thái độ như thế sẽ dễ dàng trong việc cảm nhận một tác phẩm gây nhiều tranh cãi, có thể gây khó chịu như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh (có một giai đoạn tác phẩm này có tên là “Thân phận của tình yêu”).
Một góc nhìn của một con người nhỏ bé
Nhiều ý kiến cho rằng, “Nỗi buồn chiến tranh” là một tác phẩm xuyên tạc, bôi nhọ hình tượng của một người bộ đội Việt Nam; có lẽ họ nói đúng, đúng với góc nhìn của họ. Nhưng nếu cảm nhận với một góc nhìn khác thì có vẻ “Nỗi buồn chiến tranh” chẳng hề muốn bôi nhọ hay hạ thấp ai cả, ngược lại còn tôn vinh người lính bằng một cách rất riêng. Tác phẩm khắc họa nên những con người đầy tính cá nhân, với tình yêu, với sự ham sống sợ chết của một con người rất đỗi bình thường, thậm chí là những người lính bất chấp mọi kỷ cương quân đội vì tình yêu. Tại sao lại cho rằng những người ấy là xấu được? Ám ảnh nhất có lẽ là cái chết của Can, một người lính đào ngũ vì quá lo lắng và thương nhớ người mẹ, tình hiếu thảo nồng nàn ấy cũng khiến người đọc phải suy ngẫm về sự tàn khốc của cuộc chiến của dân tộc, đó không chỉ là một cuộc chiến chung mà còn là cuộc chiến của mỗi cá nhân với cái bản ngã của mình.
Những hình ảnh tình đồng chí giữa Kiên và đồng đội, một người hy sinh cho những người bạn được sống, hình ảnh cô giao liên chấp nhận hy sinh thân mình dẫn dụ kẻ địch để những thương binh được sống, đó là những điều cao cả trong chiến tranh, những điều ta nên đồng cảm và có lẽ là tự hào nữa vì đã có những người đánh đổi cả mạng sống của mình cho những điều lớn lao hơn. Họ bước vào cuộc chiến với những trăn trở về tuổi xuân nhưng sẽ mãi nằm trong đất mẹ với những lý tưởng cao đẹp. Tác phẩm không phủ nhận những cảm xúc cá nhân tầm thường nhưng cũng chẳng phê phán hay chối bỏ những lý tưởng cao cả trong chiến tranh, vậy tại sao phải cứ tranh cãi những hình tượng là xấu hay đẹp, tại sao phải tìm kiếm những cái xa xôi trong khi chính những cái cá nhân gần gũi nhất mới chính là thứ tôn vinh lên những đức tính tốt đẹp ấy?
Tất cả tác phẩm đều là góc nhìn của Kiên, tiền chiến, trong cuộc chiến và hậu cuộc chiến, tất cả đều là từ một con người với những nỗi buồn từ cả trước chiến tranh, một con người đau khổ mà chiến tranh dường như là chất xúc tác để con người ấy thật sự sống, một con người “hợp thời” và khi chiến tranh qua đi, con người “hợp thời” ấy trở nên “lạc thời”, bơ vơ trong chính nền hòa bình anh đã chiến đấu cho. Tất cả những cảm xúc, những suy nghĩ của Kiên đã tạo nên một “nỗi buồn” rất cá nhân của một người lính.
Không cuộc chiến nào là không tàn khốc
Trong mỗi thời đại, đặc biệt là trong thời bình, luôn có những ý kiến quái lạ về chiến tranh, có những thành phần luôn hô hào những cuộc chiến, họ háo hức vì việc đó, về việc họ sẽ được tận hưởng những vinh quang chiến trận, háo hức về việc sẽ trở thành những người chiến thắng. Họ nên đọc hoặc xem những tác phẩm phản chiến để một phần thấu hiểu những khổ đau do chiến tranh mang lại mà từ đó nên ngừng hô hào người khác đi vào chỗ chết. Chiến tranh đem lại những nỗi khổ cho dân thường, “Mộ đom đóm” đã khắc họa điều ấy quá tốt. Chiến tranh đem lại khổ đau cho những người lính, hãy đọc “Phía tây không có gì lạ”. Nhưng chiến tranh đem lại nỗi buồn, nỗi buồn trong chiến trận và nỗi buồn trong những hồi ức quá khứ, chỉ có thể là “Nỗi buồn chiến tranh”’. Nỗi buồn là một cảm xúc rất khác đối với một cuộc chiến tranh, nỗi buồn sẽ phải đến và ta phải chấp nhận nó chứ không có cách nào chối bỏ và mỗi người đều có những nỗi buồn của riêng mình, chẳng ai giống ai. Đó có thể là những nỗi buồn từ những cái chết của đồng đội, nỗi buồn ấy được gợi lại ở Truông Gọi Hồn, đó là nỗi buồn của cuộc tình dang dở, hay nỗi buồn hậu chiến chẳng thể thích nghi với thời đại mới.
Có quá nhiều nỗi buồn trong tác phẩm này, và mỗi nỗi buồn lại có những câu chuyện riêng, và mỗi người đọc có lẽ sẽ có những cảm nhận của riêng mình. Nhưng chắc chắn đọng lại nhiều nhất sẽ luôn là sự tàn phá của chiến tranh, những cái chết đau đớn, những sự tra tấn về thể xác và tinh thần, những cơn mê man,… và lớn nhất là cái chết trong thân tâm, sống như đã chết đi rồi, một cuộc sống đau đớn chìm trong những hư vô mộng mị triền miên. Lối kể chuyện phi tuyến tính, sự bất ngờ trong tình tiết tái hiện lại hoàn hảo tâm trí của một người bị sang chấn sau chiến tranh, những mảnh ký ức lộn xộn, tất cả tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh và đầy nỗi buồn, nỗi khát khao, suy tư về con người và thời đại.
Tuổi trẻ, tình yêu và cái chết
Một tuổi trẻ nồng nàn trong tình yêu và mãi mắc kẹt trong tình yêu ấy, chiến tranh khiến hai người phải chia xa để rồi khi gặp lại, tình yêu ấy đã chết đi rồi, chết đi vì hai người trong cuộc tình ấy cũng đã chết, họ vẫn sống, nhưng cũng đã chết. Một tình yêu mới chẳng thể khỏa lấp đi cái quá khứ đẹp đẽ ấy. Rồi lại chia ly, rồi lại là cái chết, một vòng luẩn quẩn buồn vô tận ấy tạo nên cái buồn nhất ám ảnh Kiên mãi mãi, chẳng ai biết Kiên đi đâu cả, như Kiên chẳng biết Phương ở nơi nào. Mọi thứ kết thúc trong mơ hồ như thế và để người đọc tự cảm nhận lấy cái nỗi buồn to tát do mối tình họ để lại.
Tác phẩm cho người đọc thấy trong quá khứ, những con người nhỏ bé đã sống và trải qua những khổ đau như thế nào, nhưng họ vẫn luôn hy vọng vào tương lai, họ chính là bài học để ta học tập trong những thời khắc khó khăn. Và ta càng phải biết ơn hơn những người đã ngã xuống, những người đã chịu nhiều đau khổ để cho những thế hệ con cháu có một cuộc sống tốt hơn trong hòa bình dù họ còn không chắc mình sẽ còn được nhớ tới hay không.
Vậy thôi, một tác phẩm hay, nên đọc với một tâm thế cởi mở, đừng quá mang nặng những vấn đề lớn lao quá mức rồi phê phán nó một cách thái quá, hãy “tận hưởng” nỗi buồn mà nó đem lại rồi biết đâu đấy có thể rút ra được điều gì đó.