Câu thơ trên trong Truyện Kiều là khi Kim Trọng và Vương Quan đã thi đỗ, làm quan và được thuyên chuyển sang hai nơi khác nhau là Nam Bình và Phú Dương. Cả hai cùng đưa gia đình theo. Nhân tiện đường sang Hàng Châu (huyện thuộc đạo Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang), khi dò tìm tin tức về Kiều, cả gia đình được biết là Kiều đã trầm mình tự tử tại sông Tiền Đường. Đinh ninh Kiều đã chết, gia đình lập đàn tràng bên sông làm lễ chiêu hồn:
“Chiêu hồn thiết vị lễ thường,
Giải oan lập một đàn tràng bên sông.
Ngọn triều non bạc trùng trùng,
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
Tình thâm bể thẳm lạ điều,
Nào hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào?”
Không cần nghĩ kỹ cũng dễ dàng thấy rằng Kiều và Từ Hải chết oan. Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lừa dối, uất ức, căm hờn chết đứng “khí thiêng khi đã về thần”. Còn Kiều bị Hồ Tôn Hiến lừa dối, cưỡng bách, cũng uất ức, căm hồn gieo mình “sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan”. Công luận kết án Hồ Tôn Hiến đê tiện, lừa giết Từ Hải xong thì bức tử Kiều. Vợ chồng Kiều đều bị chết oan. Từ Hải tuy là bậc anh hùng đội trời đạp đất nhưng vẫn tứ cố vô thân, không gia đình, oan hồn vẫn còn vất vưởng; còn Kiều dù sao vẫn có gia đình lập đàn giải oan bên sông cho nàng.
“Chiêu hồn” là gọi hồn. Người chết trên đất có mồ mả thì được làm lễ phục hồn, nghĩa là làm cho hồn trở về nhà để thờ. Còn người chết đuối hay trầm mình dưới sông tự tử thì làm lễ chiêu hồn tức là gọi hồn về, vì hồn bị lạc lõng trên sông. Phục hồn và chiêu hồn khác với cầu hồn. Cầu hồn là để hồn nhập vào xác một người ngồi đồng nào đó, để kể những chuyện mà gia đình thân nhân muốn nghe, muốn biết.
Chết oan là bị bức chết, chưa tới số phải chết nên hồn không có chỗ dung chứa, không lên được thiên đường mà cũng chưa thể xuống địa ngục hay đi đầu thai, còn phảng phất lảng vảng giữa hư vô. Theo đạo Lão cũng như đạo Phật, đối với những hồn chết oan, cần lập đàn lễ để giải oan cho người chết oan, để linh hồn được siêu thăng tịnh độ, lên cõi thanh tĩnh của Đức Phật.
Nhìn trên sông, sóng bạc đầu trùng trùng lớp lớp xô đuổi nhau, dõi trông xa xa tưởng như thấy bóng Kiều gieo mình xuống nước. Rồi vì mối tình ruột thịt, nhìn sông nước thăm thẳm mênh mông mà như thấy hồn oan chim Tinh Vệ, lẩn khuất lảng bảng đâu đây…
Theo truyện cổ Trung Hoa, con gái Viêm Đế đi thuyền trên biển Đông, chẳng may gặp bão lớn, thuyền chìm. Nàng chết đuối. Vì uất ức hóa thành chim Tinh Vệ bay đến bay đi, miệng ngậm đá núi Tây bay đến biển Đông, nhả đá như muốn lấp biển Đông cho thỏa nỗi buồn bất tận. Tên chữ gọi là “Tinh Vệ hàm thạch”.
Trong vở tuồng “Kim thạch, kỳ duyên” của cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, đoạn Giải thị tuẫn tiết theo chồng có câu:
“Oan kết theo hồn Tinh Vệ
Lụy rơi hóa tuyết Đỗ Quyên
Minh mông sóng thảm bủa đầu thuyền
(còn) Lai láng gió sầu xao mặt nước”.
Khi cụ Phan Chu Trinh qua đời, cụ Phan Bội Châu có câu đối ai điếu như sau:
“Thương hải vi điền, Tinh Vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền”.
Nghĩa là
“Biển sâu chưa san bằng, Tinh Vệ còn ngậm đá
Chung Kỳ đã mất đi, Bá Nha đứt dây đàn”.
Trong trường hợp câu đối ai điếu trên, ý của cụ Phan Bội Châu là nói cụ Phan Chu Trinh qua đời mà quốc gia chưa thoát cảnh nước mất nhà tan, chưa góp sức được nhiều cho công cuộc thay đổi vận mệnh đất nước, nên qua đời mà lòng còn chất chứa oán hờn tiếc nuối.
Nào giờ chúng ta cứ mơ hồ tưởng Tinh Vệ là tên người, ai ngờ đó là tên loài chim hóa thân của một nàng công chúa sau khi chết. Từ giờ trở đi chúng ta đã biết vận dụng điển tích nào khi nói về oan hồn rồi đó (!), nhưng mong rằng điển tích này chỉ xuất hiện trong văn chương và trong quá khứ thôi, vì chuyện chết oan có tốt lành gì đâu, trong thời hiện đại này mà còn có người bị chết oan thì chẳng phải rất xui xẻo, đáng buồn và đáng tiếc hay sao..
.
Bài viết được trích dẫn và lấy ý tưởng từ cuốn “Điển tích Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Tử Quang.