Phu thê trong văn hóa Việt

CÁCH XƯNG HÔ

Vợ chồng thuộc dòng dõi thư hương, thượng lưu thì gọi nhau bằng cậu – mợ, thầy thông thầy phán thì gọi nhau bằng thầy – cô, nhà bình dân thì gọi nhau bằng anh – chị. Sau khi có con thì gọi nhau bằng thầy em – đẻ em, nhà bình dị hơn nữa thì gọi nhau là bố cu – mẹ đĩ, có người thì gọi bố nó – mẹ nó, có người thì cả hai vợ chồng gọi lẫn nhau là “nhà ta”. Ở Quảng Nam thì vợ gọi chồng là anh, chồng gọi vợ là em. Ở Nghệ Tĩnh thì vợ chồng gọi là “gấy nhông”.

 

ĐẠO VỢ CHỒNG

Vợ chồng cư xử với nhau, trọng nhất là hai chữ hòa thuận. Có câu rằng “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, nghĩa là dù việc khó đến đâu, khi hòa thuận với nhau thì trở ngại nào cũng vượt qua được. Người chồng quan trọng nhất là phải giữ nghĩa với vợ, còn người vợ quan trọng nhất là giữ tiết hạnh với chồng.

 

NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI CHỒNG

Nghĩa vụ của chồng đối với vợ thì chỉ cần ăn ở cho đúng đắn, biết thương yêu, quý trọng vợ, nhất là chồng phải có tài trí, khiến cho vợ được nương nhờ, có cuộc đời bình an no đủ.

Tiếp nữa là vợ chồng đồng tâm hiệp lực, kẻ lo việc ngoài, người lo việc trong, chuyện gia đình chỉnh đốn đâu ra đó, đừng để riêng mình vợ khổ sở vất vả. Còn người chồng không có chí làm ăn, quanh năm chỉ trông cậy vào vợ thì gọi là hèn.

.

Mình đã cân nhắc trước khi gõ thêm đoạn dưới đây, trích từ cuốn “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính. Vào năm 2022 của thế kỷ 21 mà vẫn viết về tam tòng tứ đức thì e rằng sẽ gây cảm giác khó chịu hoặc tức giận cho một số phụ nữ nói riêng và tất cả mọi người nói chung, nhưng vì mình đang trích dẫn nên sẽ cố gắng giữ nguyên tác phẩm. Đến cuối bài sẽ có lời bình rất thấu tình đạt lý và nhân văn của tác giả Phan Kế Bính, các bạn cứ bình tĩnh đọc tiếp nha.

 

NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI VỢ

Vợ thì trên phải phụng dưỡng cha mẹ chồng, có khi phải nuôi cả chồng; giữa thì giúp chồng lo lắng công kia việc khác, gánh vác giang sơn nhà chồng; dưới thì săn sóc nuôi nấng con, thế mới gọi là nội trợ.

 

TỨ ĐỨC

Người vợ, người phụ nữ nói chung phải có đủ tứ đức mới gọi là người hiền. Tứ đức là phụ dung, phụ công, phụ ngôn, phụ hạnh.

_ Phụ dung: Dáng vẻ người phụ nữ phải gọn gàng sạch sẽ, nghiêm trang nhã nhặn.

_ Phụ công: Khéo léo trong việc may vá thêu dệt, biết buôn bán càng tốt, còn đòi hỏi hơn nữa thì tinh thông cầm kỳ thi họa.

_ Phụ ngôn: Lời ăn tiếng nói phải khoan thai dịu dàng, mềm mỏng dễ nghe, không xấc xượt the thé.

_ Phụ hạnh: Nết na, biết kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con. Giao tiếp bên ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, không cay nghiệt với ai.

 

TAM TÒNG

Lễ giáo buộc người đàn bà ngoài tứ đức còn phải có tam tòng, là “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, nghĩa là ở nhà thì theo cha mẹ, lấy chồng thì theo chồng, chồng mất thì theo con. Cho nên người phụ nữ trong xã hội ngày xưa sau khi lấy chồng thì dù hay, dở, sống, chết thế nào cũng là người của nhà chồng, chỉ có thể nương nhờ chồng con chứ không nương nhờ ai được nữa. Hiểu theo cách ấy, người đàn bà khi hết lòng hết sức lo cho chồng con tức là đang lo cho bản thân mình.

 

THẤT XUẤT

Đàn bà ở với chồng, khi có bảy điều sau thì sẽ bị đuổi khỏi nhà chồng, gồm:

1_ Không con

2_ Lăng nhăng, ngoại tình

3_ Không tôn trọng cha mẹ chồng

4_ Lắm điều

5_ Trộm cắp

6_Ghen tuông

7_ Có tật xấu

Những điều trên xếp vào loại “không thể dung tha”, nên nếu mắc phải thì người đàn bà bị đuổi khỏi nhà chồng.

 

TAM BẤT KHẢ XUẤT

Ba điều không được đuổi người đàn bà ra khỏi nhà chồng:

1_ Từng để tang 3 năm nhà chồng

2_ Trước nghèo sau giàu

3_ Ở nhà chồng thì sống được, về nhà mình thì không có chỗ nào nương tựa

 

Đàn bà để tang cha mẹ chồng 3 năm tức là đã cùng với chồng báo hiếu cha mẹ, ấy là có công với chồng, nếu chồng ruồng bỏ người vợ như vậy thì chẳng những bạc tình mà còn bất hiếu với cha mẹ. Trước mới lấy nhau thì nghèo, sau mới giàu lên, tức là người vợ đó đã đồng cam cộng khổ với chồng, nếu bỏ vợ thì chồng là kẻ phụ bạc. Đàn bà chỉ nhờ cha mẹ và nhờ chồng con, nếu cha mẹ vợ đã mất mà còn đuổi đi thì người ta biết nương tựa vào đâu, đuổi vợ như thế là bất nghĩa, nên không thể đuổi.

phu-the-trong-van-hoa-Viet-2

Đạo vợ chồng cũng là một mối cương thường rất hệ trọng trong ngũ luân. Ở với nhau mà biết thương yêu, quý trọng nhau thì mới phải đạo. Nhưng tục ta trọng nam khinh nữ thì trái hẳn với lẽ văn minh. Tạo Hóa sinh ra có nam có nữ, có người lo việc ngoài thì cũng phải có người coi việc trong, người khỏe mạnh thì làm việc nặng, người chân yếu tay mềm thì làm việc nhẹ, giúp đỡ lẫn nhau thì mọi chuyện mới hoàn thành, vậy thì việc của đàn bà có kém gì việc của đàn ông đâu? Chẳng những nên thương thân phận yếu đuối đó, mà còn nên kính trọng nữa.

 

Cho nên cứ lấy đạo công bình mà nói thì đáng lẽ nên quý đàn bà hơn đàn ông mới phải, chớ nên cậy mình khỏe mạnh mà khinh bỉ, ức hiếp đàn bà. Tục ta thì phần nhiều áp chế đàn bà quá. Có người coi vợ như kẻ hầu người hạ, nào là bắt nâng khăn sửa túi, bắt cơm dâng nước tiến, bắt bẻ đủ điều. Chồng ăn chơi phá phách thì không sao, vợ làm gì một chút thì đã bị la mắng ỏm tỏi, chồng chim chuột như quỷ thì chẳng hề gì, vợ đi đâu một lúc đã ngờ vực. Những điều đó trái với lẽ công bằng.

 

Sách có câu rằng “Phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng kính trọng, đối đãi nhau như khách. Lại có câu khác rằng “Phu phụ hòa nhi, hậu gia đạo thành” nghĩa là vợ chồng hòa thuận thì gia đình mới trở nên tổ ấm. Hai câu ấy đủ làm gương cho đạo vợ chồng.

 

Như mình đã viết ở trên, chúng ta đọc những kiến thức về văn hóa truyền thống xưa cũ này của Việt Nam để biết vài nét sinh hoạt của người xưa, cái gì hay thì giữ, cái gì lạc hậu và vi phạm nhân quyền thì nên tránh. Cùng với sự phát triển vượt bậc của xã hội loài người, sự mở rộng phong phú của kiến thức, để bản thân sống tử tế và cư xử đàng hoàng với người khác, chúng ta cần học hỏi rất nhiều. Định kiến giới và những suy nghĩ lối mòn không chỉ ảnh hưởng xấu đến phụ nữ mà cũng đẩy đàn ông vào những tình huống rất trớ trêu. Nữ quyền hay nam quyền thì đều là nhân quyền, nếu luôn nhớ yêu thương và trân trọng người khác thì đó đã là một trong những hành động giúp thế giới trở thành nơi đáng sống hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp