NHÀ THỜ: Bao nhiêu con cháu dòng dõi trong một họ lập chung một nhà thờ Thủy Tổ, gọi là mỗ tộc (Trần tộc, Nguyễn tộc…) từ đường. Nhà thờ ấy chỉ thờ riêng một Thủy Tổ, và khi tế tự thì lấy các tổ tông biệt chi, biệt phái mà phối hưởng. Có họ không có nhà thờ thì xây một cái bàn lộ thiên, dựng bia đá ghi tên thụy hiệu các tổ tiên để khi tế tự thì ra tại đó mà tế. Có họ thì làm nhà thờ để cho chi trưởng nam đời đời giữ hương hỏa, chi trưởng tuyệt thì mới truyền sang chi thứ. Có họ thì con cháu luân lưu thờ tổ ở nhà riêng của mình.
Những họ về chi khác cũng có nhà thờ tổ tông trong bản chi, gọi là bản chi từ đường. Nhà thường dân không có nhà thờ riêng thì thờ tại nhà mình ở. Dẫu nghèo cũng có một bàn thờ.
ĐỒ THỜ: Nhà thờ Thủy Tổ có riêng một thần chủ, để thờ mãi mãi, không bao giờ thay đổi, gọi là “bách thế đất diêu chi chủ”. Đồ thờ phụng thì đại khái nhà nào cũng có một bộ đèn nến, lư hương, bình hoa, mâm quỳ, mâm bồng, cỗ đài rượu, hộp giầu, đài nước… Người thì dùng đồ đồng đồ thiếc, người thì dùng đồ sơn son thếp vàng thếp bạc. Đồ thờ phụng, càng nhà giàu thì càng trang hoàng nhiều đồ quý, mà nghèo đến đâu cũng có được một vài cây đèn nến sơn son và một cái bình hương.
Ta coi đồ thờ tự là đồ rất kính trọng, không ai dám đem cầm đem bán bao giờ. Nếu nhà nào nghèo quá phải cầm bán thì ai cũng chê cười.
Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một nghĩa vụ của người. Nhưng cũng nên biết rằng sự cúng cấp là để tỏ cái lòng thành kính, chứ không phải để mà phụng dưỡng tổ tiên, thì dùng cách nào cho ngụ được cái lòng ấy là đủ.
Trích “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính.