“Trong vòng 51 năm (1813 – 1864) mà 6 tỉnh toàn Nam Kỳ chỉ có 257 vị Cử nhân Hán học thì thật quá ít. Sở dĩ như vậy, vì Nam Kỳ là đất mới, dân chúng quen với nghề ruộng rẫy lo miếng cơm manh áo hơn là chuyện bút nghiên nơi cửa Khổng sân Trình, mặc dầu triều đình vẫn dành riêng sự ưu ái với người dân Nam Kỳ là đất hưng nghiệp của nhà Nguyễn, lo việc mở mang dân trí bằng cách cử một vị Tiến sĩ triều Lê vào làm Đốc học ở thành Gia Định như trên đã nói.
Nhưng mọt con én không làm nổi mùa xuân, khiến cho nhiều học trò “có người trải tám khóa mà không đủ văn thể tứ trường, thành thần tạm khế khóa để miễn binh dao, lại tâu xin gia ân cho biên vào sổ khóa sinh”
So với nhiều tỉnh ở miền Trung và miền Bắc, tổng số Cử nhân Hán học của 6 tỉnh Nam Kỳ chỉ bằng tổng số Cử nhân của một hay hai tỉnh ở miền ngoài. Rồi lại so với ngày nay, số Cử nhân và Kỹ sư, kể cả Thạc sĩ, Tiến sĩ tân học tốt nghiệp Đại học nhiều khộng kể xiết. Nhưng ngày xưa, thi đỗ được cái bằng Cử nhân Hán học vô cùng khó khăn, có khi hết nửa cuộc đời. Đúng là đãi cát tìm vàng. Do đó các vị Cử nhân và Tiến sĩ Hán học nói trên là những hạt kim cương trên bãi cát của sông Cửu Long và sông Đồng Nai, quý giá vô cùng, mà ngày nay các thế hệ con cháu phải hết sức trân trọng.
Trên tinh thần đó, chúng tôi biên soạn cuốn sách này để giới thiệu với độc giả, nhất là độc giả ở Nam Bộ, tiểu sử và hành trạng của các vị khoa bảng ấy vừa để tôn vinh từng vị, vừa để con cháu các vị ấy hãnh diện về tiền nhân của mình” (Nguyễn Đình Tư)
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.