[Trích LỜI TỰA do tác giả Nguyễn Trọng Thuật viết cho tác phẩm “Quả dưa đỏ”, đạt giải thưởng văn chương của Hội Khai Trí Tiến Đức]
Truyện “Quả dưa đỏ” này nhân ở một bài trong mười bài sử ký đời Hùng triều để lại. Nước ta từ khi thuộc về nước Tàu, bị một cái văn minh độc tôn tràn lấp đi, mà bao nhiêu điển cố của tổ tiên đề tạo, hoặc đã có văn tự riêng ghi chép, hoặc còn truyền bằng bia miệng, đều quên nhãng đi mất cả. Đến lúc hán học đã phổ cập rồi, quốc dân chỉ còn nhớ truyền khẩu với nhau được mươi truyện. Kẻ có lòng hoài cổ mới đem chữ hán mà chép lại – tương truyền là ông Trần Thế Pháp – nhưng thấy truyện nào cũng có cái nghĩa thần dị, bèn hợp với những truyện truyền kỳ đời sau mà tổng danh là Lĩnh nam trích [chích] quái. Nhưng cũng nhờ có sách ấy mà quốc dân ta mới còn mơ màng được đôi chút công đức triệu bồi của tổ tiên. Mãi đến đời Hồng Đức nhà Lê ông Vũ Quỳnh mới chia ra làm hai quyển, để riêng mười bài về đời Hùng lên quyển thứ nhất, rồi làm bài tựa mà biểu dương lên, ông nói rằng: “Việc cổ sơ ta quên mấtt nhiều, may còn nhớ được câu nào là dân gian truyền khẩu lại cả.” Lại nói rằng: “Sách liệt truyện này là truyện ký mà thực là sử ký đó.” Từ đấy người hiếu cổ mới biết trọng đến. Nay đem mà đối chứng với di tích còn rõ ràng, thì những truyện ấy là sự thật cả, chứ không phải là những lời ngụ ngôn mà cũng không phải là những bài tiểu thuyết, mới biết lời ông Vũ Quỳnh đã có suy xét kỹ lắm rồi. Duy đời thượng cổ về thần quyền thời đại, dân tộc nước ta cũng phải theo cái trình độ tiến hoá của loài người trong thế giới, nên các truyện ấy cũng như những truyện Tam hoàng Ngũ đế của Trung Quốc, truyện vua Thần Vũ của Nhật Bản, truyện người Phạm giáng hạ của Ấn Độ, truyện xây tháp ở Tiểu-Á-tế-á, và truyện ông Ma-tây đi tìm đất của Âu châu, đều là những bài sử học về gốc tích của từng dân tộc một, mà truyện nào cũng có cái nghĩa thần bí ở trong. Nhà khảo cổ phải viết mà phân tích ra cho cái chân lý nghìn xưa không phải mờ ám vào trong chỗ hoang vu mãi mãi.
Nước ta về thượng cổ hơn hai nghìn năm là cái thời đại của văn minh thế giới mới phát sinh, như văn minh Trung Quốc, văn minh Ấn Độ, văn minh Ai Cập và văn minh Hy Lạp, đều xuất thế về thời ấy. Nước ta lúc đó, biệt chiếm một khu vũ rộng rãi giàu thịnh, có vũ công văn trị, có thông hiểu khai cương, việc còn truyện ở sử Trung Quốc và các di tích trong nước, thì há lại không có một cái văn minh đáng truyền hay sao? Nay xem mười bài truyện cổ đời Hùng còn lại, tuy giản ước mà sâu xa, thần bí mà chứng thực, nào chính trị, phong tục, ái tình, tiết nghĩa thần tiên, thông thương, mạo hiểm bao nhiêu tư tưởng điển cố khác hẳn cả với cái khuyên sáo của văn minh Trung Quốc mà phảng phất với văn minh Tây phương. Vậy ví cái văn minh Hồng Lạc mới phôi thai ấy không bị hỗn hoá vào trong một cái văn minh bàng đại của Chi-na, thì lịch sử văn minh Đông Á gần đây, có văn minh Trung Quốc, văn minh Ấn Độ, biết đâu lại không có cả văn minh Bách Việt nữa, thật là một cái di hận cho văn minh sử của dân tộc ta sau này!
Nay tác giả nhân một truyện phiêu lưu trong mười truyện cổ ấy cùng những lời truyền ngôn của cố lão mà viết ra quyển tràng thiên tiểu thuyết này, tuy là tiểu thuyết mời mà thực là bài diễn nghĩa về cái đầu bài của cổ nhân đã kết cấu sẵn mà thôi. Xin y nguyên văn bài cổ truyện dịch ra sau này:
[…]
An Tiêm sở dĩ không chết mà lại thành công là vì An Tiêm là người can đảm, kiên nhẫn, mà nhất nữa là người thành tín, có thành tín nên mới yên lòng vững dạ thắng đoạt được tai nạn mà đi tới chốn kỳ đảo của mình. Xét như thế thì cốt trụ trong truyện đổi ngay phương diện thần dị ra làm phương diện triết lý, mà thức phá được cái chốn An Tiêm sở dĩ thành công tức là hiểu được một nghĩa triết học rất cao có lý thú vô cùng vậy. Cái nghĩa trụ cốt trong truyện đã đổi ra phương diện triết lý, thì những tình, những cảnh, những sự hành vi về sau, đều không phải là những việc thần dị nữa, cổ ý vẫn còn mà có ích cho sự thực.
[…]
Nước ta ngày nọ không dạy học trò học quốc sử bỉ nhân mãi đến 16, 17 tuổi mới được biết đến chuyện ông An Tiêm này, còn nhớ một buổi ngày tháng năm ngồi ăn dưa đỏ với một người bạn học hơn tuổi, ông nhân nói đến lịch sử quả dưa đỏ, bỉ nhân lấy làm thán tán mãi, bèn hỏi lấy sách mà xem cho tường. Đó cũng là cái tính thường của con trẻ ham biết chuyện cổ đó thôi, hay đâu mới ngoài 20 tuổi trở đi, tự dấn thân vào cái ước bình bồng, nay kinh kỳ, mai thôn dã, khi góc bể, lúc chân rừng, cùng trải bao nhiêu càng thấy cái thân vi diểu cứ phải đấu chọi với cái sức biến thiên của vũ trụ mênh mang kia hoài, thời lại nhắc lại câu chuyện ông An Tiêm để yên ủi lấy cái tâm hồn trong khi chán ngán. Có một lần cùng vơi mấy anh em bạn vào núi phóng cổ, trời tối lạc đường, ai nấy đều bụng đói miệng khát, người mệt nhoài cả ra. Bỉ nhân bèn thuật lại câu chuyện ông An Tiêm ai nấy đều cười ồ lên tranh nhau người này tự phụ là An Tiêm, người kia tự phụ là An Tiêm rồi cũng phấn chấn với nhau tìm lối ra.
Ấy những cảnh ngộ tầm thường mà có câu chuyện cổ cũng nhiều khi đổi được cái lòng lười biếng ra cái chí thụ lập, đổi cái cảnh buồn rầu ra cái thú hăng hái một đôi lúc.