Tác giả: Adam Hart-Davis. Dịch giả: Lê Thị Thúy Nga
Thể loại: Khoa học, tâm lý học
“Liệu con người có thể hiểu được tâm trí của chính mình? Mục tiêu này không phải là bất khả thi, nhưng lại bị bủa vây bởi vô vàn khó khăn, đó có lẽ là lý do tại sao tâm lý học là kẻ đến sau trong các ngành khoa học. Những nhà hóa học và vật lý học (được gọi là những ‘triết gia tự nhiên’) đã xuất hiện suốt hàng trăm năm, nhưng người đầu tiên tự xưng là nhà tâm lý học chỉ mới xuất hiện cách đây chưa đầy 150 năm”.
Vài năm gần đây, mình khá vui khi thấy nhiều sách tâm lý học được chọn lọc, được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Từ chỗ là một mọt sách đam mê trinh thám, mình dần lấn sân sang lĩnh vực tâm lý học ứng dụng, vì dòng sách này giúp mình hiểu được phần nào cơ cấu hoạt động của bộ não con người, giúp mình lý giải được chút ít suy nghĩ và hành vi của người khác. Tuy ưa thích, nhưng với mình, sách tâm lý học vẫn là loại sách rất khó đọc, vì nó không có cốt truyện liền lạc, không có những khoảnh khắc đong đầy cảm xúc hoặc kịch tính khó lường. Thay vì vậy, sách tâm lý học thường có lối viết đều đều với đầy những thuật ngữ khoa học khó hiểu khó nhớ. Dù thích nhưng hầu như lần nào mình cũng ngủ gục khi đọc sách tâm lý! May thay, cuốn “Những thí nghiệm não bộ chưa được tiết lộ” lại không khiến mình buồn ngủ! Cuốn sách này được chia thành nhiều phần rõ rệt, mỗi phần bao gồm vài thí nghiệm được tường thuật bằng giọng văn gãy gọn dễ hiểu, đọc chưa kịp chán thì đã vội kết thúc! Do đó, mình nghĩ đây là quyển sách thích hợp cho những ai muốn bắt đầu tìm hiểu về tâm lý học.
Nhiều thí nghiệm trong cuốn này mình đã đọc trong những cuốn sách khác, như “Bạn không thông minh lắm đâu”, “Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy”, “Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông”… Mình sẽ kể ra vài thí nghiệm tạo ấn tượng sâu với mình:
1_ Thí nghiệm về trí thông minh của mèo và phản xạ có điều kiện ở chó. Mình đã chú ý tìm xem sách có nói về chuyện cắt cổ họng chó để nghiên cứu việc tiết nước bọt không, nhưng may mà không có! Nói chung, ở những thí nghiệm dùng động vật như chuột, chuột lang, chó, mèo, khỉ… các loài này luôn bị nhốt trong chuồng, bị thử nghiệm bằng điện, bằng tiếng ồn, bằng hóa chất… Cho đến nay (năm 2022) thế giới vẫn còn rất nhiều tranh cãi về lòng nhân đạo đối với động vật. Bản thân mình tự xưng là quan tâm và yêu thương động vật, nhưng mình cũng hiểu rằng nếu không có động vật hy sinh trong những thí nghiệm có-khi-rất-tàn-ác này, thì con người sẽ không có thuốc men, không đạt được những tri thức khoa học như hiện giờ. Có lẽ việc chúng ta cần làm là biết ơn những loài ấy, và cố gắng trong khả năng cho phép để giảm thiểu đau đớn hoặc rủi ro cho chúng.
2_ Thí nghiệm mang tính bạo hành lên khỉ và lên trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi) để kiểm chứng về mức độ sợ hãi, mức độ khắc ghi những điều tiêu cực lên não. Lúc đọc, mình đã cảm thấy có gì sai sai, và rốt cuộc cuối thí nghiệm có ghi rằng “Vào thời điểm đó, thí nghiệm này đã gây nhiều tranh cãi và bị chỉ trích nặng nề vì cả tính xác thực của các phát hiện và vấn đề đạo đức của thí nghiệm. Không có gì phải tranh cãi khi ngày nay, hình thức thí nghiệm này sẽ không bao giờ được cho phép”. Đọc những thí nghiệm này, mình liên tưởng đến cuốn trinh thám “Hội chứng E” với những thí nghiệm tàn ác lên các bé gái và những chú thỏ. Dường như là cái xấu, cái ác, sự hung bạo rất dễ tạo ra và duy trì, trong khi những điều tốt, điều bình an thì khó đạt được, khó tìm kiếm.
3_ Trong mục “Tâm lý học có thể giúp tăng năng suất”, mình có chút ý kiến phản biện. Đồng ý là cần nghỉ ngơi hợp lý trong khi làm việc, nhưng chia ra quá nhiều quãng nghỉ ngắn thì sẽ khiến công việc bị loãng, không còn duy trì được trạng thái dòng chảy (flow) trong khi làm, công việc sẽ không hiệu quả. Mình nảy sinh tư tưởng phản biện này là vì vừa đọc cuốn “Deep Work” của Cal Newport cách đây chưa lâu. Mình nghĩ vào thời điểm thí nghiệm về năng suất này được tiến hành thì Cal Newport chưa viết cuốn Deep Work, do đó mọi người chưa biết rõ về tính cần thiết của sự tập trung cao độ khi làm việc. Mình rút ra là, khi làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và nhận phần thưởng hợp lý thì cũng có tác dụng thúc đẩy công việc trôi chảy, nhưng cái gì cũng nên trung dung (Khổng Tử đã dạy như thế), nếu nhiều quá thì ngay cả những thứ vô hại cũng trở nên có hại.
4_ Thêm một thí nghiệm mà mình cho là quan trọng: “Ký ức của bạn chính xác đến đâu?”. Bộ não con người không phải ổ cứng máy tính, thông tin không phải cứ thế được ghi vào rồi phát lại như một bộ phim, mà đã bị bóp méo qua nhiều góc độ, nhiều yếu tố ngoại cảnh, tạo thành một ký ức như-chúng-ta-muốn-nhớ chứ không phải như-nó-đã-xảy-ra. Đọc phần này, mình hoang mang nhớ lại không ít lần mình cãi nhau với người khác về những chuyện như “sao tao nhớ thế này mà mày nhớ thế khác”! Giờ khi đã biết những gì mắt thấy chưa chắc là thật, những gì não nhớ chưa chắc là đúng, thì mình lẳng lặng tập thói quen nghe và nhìn nhiều hơn, nói ít lại, để tránh bị hớ trong một vài trường hợp, và tránh tranh cãi gây tổn thương cho người khác.
“Tâm lý học – Những thí nghiệm não bộ chưa được tiết lộ” là một cuốn sách khoa học có thể dùng đọc giải trí, sẵn tiện học hỏi chút ít các vấn đề vĩ mô để khi cần có thể mang ra chém gió với bạn bè 😀 Đùa thôi, thật ra một số các thí nghiệm trong đây đã được tiết lộ (vì mình đã đọc trong những cuốn sách hoặc bài viết khác), nhưng nhìn chung với lối viết ngắn gọn dễ hiểu, đọc không chán, cuốn này có thể giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với cách thức hoạt động của não bộ, cách suy nghĩ và chuyển thành hành động của con người. Ở Việt Nam, tâm lý là thứ gì đó rất mới lạ, chưa được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Riêng mình thì nghĩ tìm hiểu về tâm lý là chuyện rất nên làm, vì hành vi, cách cư xử của con người đều xuất phát từ suy nghĩ, được điều khiển bởi bộ não. Tìm hiểu và ứng dụng tâm lý học vào sinh hoạt đời thường là một trong những cách tối cần thiết để giúp cuộc sống của chính mình và người khác được tốt đẹp hơn.
Viết xong 30-7-2022