“Tào khang” hay “tao khang” mới đúng?

Trong “Dạ cổ hoài lang”, có câu hát đã trở nên nổi tiếng: “Đường dù xa ong bướm. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…”. Theo tìm hiểu của mình thì:

Trong đoạn đối thoại giữa Kiều và Thúc Sinh khi hai người chung sống với nhau được khoảng một năm. Kiều lo ngại rằng sau này có sự bất hòa diễn ra giữa Kiều và vợ cả của Thúc Sinh, nên giục Thúc Sinh về thăm nhà:

“Phận bồ từ vẹn chữ tòng,

Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.

Tin nhà ngày một vắng tin,

Mặn tình cát lũy nhạt tình tao khang.

Nghĩ ra thật cũng nên dường,

Tăm hơi ai kẻ giữ giàng cho ta?”

 

Từ “tao khang” là từ đúng, còn “tào khang” do đọc lệch thành quen. “Tao” là cặn rượu, “khang” là cám, trấu. “Tao khang” là bã rượu và cám, ý chỉ thức ăn kham khổ của người nghèo. Từ “tao khang” chỉ người vợ ở bên chồng từ xưa, tuy không phải “cùng ăn bã rượu và cám gạo” nhưng đã cùng nhau trải qua bao khó khăn gian khổ, đến khi có địa vị, của cải thì không nên ruồng rẫy nhau. Điển tích này xuất phát từ câu chuyện sau:

Đời nhà Hán, có người xưa tên Tống Hoằng, nhà nghèo, có chí học tập. Vợ chồng sống đạm bạc, vất vả nhưng vẫn yêu thương nhau. Tống Hoằng sau thi đỗ làm quan đến tước Thượng Khanh. Vua có người em gái trẻ đẹp tên Hồ Dương, phu quân mất sớm. Thấy phu nhân của Tống Hoằng mộc mạc quê mùa, nhà vua có ý gả hoàng muội làm thiếp cho Tống Hoằng, mới ướm hỏi ông rằng:

_ Trẫm từng nghe trong thiên hạ bảo: giàu đổi bạn, sang đổi vợ, có phải thế không?

Tống Hoằng thưa:

_ Muôn tâu: “Tao khang chi thế bất khả hạ đường, bần tiện chi giao bất khả vong”.

Nhà vua hiểu ý của Tống Hoằng nên không đặt vấn đề nữa.

Câu trả lời của Tống Hoằng ý nói người vợ cùng ăn ở với nhau lúc tay trắng thì không nên ruồng bỏ (để cho ở nhà sau), người bạn chơi với mình từ lúc nghèo nàn thì không nên lãng quên.

 

Trong cụm từ “mặn tình cát lũy”, “cát lũy” là sắn bìm, một loại dây leo cũng như “cát đằng” (cây mây). “Cát lũy” chỉ người vợ lẽ, thường được phu quân say mê hơn vợ cả do trẻ đẹp và mới mẻ. Ý của Kiều khi nói câu “Mặn tình cát lũy nhạt tình tao khang” là khuyên Thúc Sinh đừng vì quá đắm say nàng mà nhạt tình với vợ cả Hoạn Thư. Trong đoạn ‘nói chuyện’ trên giữa Kiều và Thúc Sinh, đại thi hào Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng Kiều vừa trung thực vừa thông minh lại có tình có nghĩa, biết thân phận mình là vợ lẽ nên khuyên chồng đừng giấu giếm vợ cả chuyện chàng đã cưới Kiều, để cuộc sống chung sau này của cả gia đình sẽ dễ dàng hòa thuận, hạnh phúc hơn. Khéo léo bày tỏ tâm ý xong, Kiều còn nhẹ nhàng nài nỉ thêm:

“Xin chàng lại kíp về nhà,

Trước người đẹp ý, sau ra biết tình”.

Đáng tiếc, Thúc Sinh tuy về thăm nhà nhưng không nghe lời Kiều, cứ giấu giếm chuyện đã cưới vợ lẽ, nên sau này mới gây ra thảm cảnh cho Kiều.

 

Bởi mới thấy, thân phận phụ nữ trong chế độ phong kiến thật là đáng thương, kiếp lấy chồng chung có bao giờ được hạnh phúc. Đến thời hiện đại này, đã có một số người tán thành mối quan hệ yêu đương “có hơn hai người”. Mình nghĩ để sống chung như thế, mỗi cá nhân trong mối quan hệ đó phải hoàn toàn trưởng thành về mặt cảm xúc và đạt được sự đồng thuận tuyệt đối với nhau. Nhưng mình vẫn thấy lấn cấn, băn khoăn thế nào ấy. Chắc vì quan điểm của mình đã, đang và sẽ luôn chỉ chấp nhận mối quan hệ hai người thôi. Cảm xúc mà, càng phức tạp thì sẽ càng khó kiểm soát, phải không? 😀

 .

Nguồn bài viết tổng hợp từ cuốn “Điển tích Truyện Kiều” của tác giả Trần Tử Quang, website quantrimang.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp