Nỗi đau ly biệt và tiếng lòng của một kẻ xa quê
Trong dòng chảy của văn học Việt Nam, “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng như một bản tình ca đầy máu thịt, thổn thức từ trái tim người nghệ sĩ phải sống xa quê hương. Được viết trong hoàn cảnh đặc biệt khi tác giả rời Hà Nội vào Nam hoạt động cách mạng, tác phẩm là lời tự sự của một người con đất Bắc đau đáu nhớ về những gì thân thuộc nhất: quê hương, con người, hòa bình, ẩm thực và tình nghĩa vợ chồng. Qua từng trang viết, độc giả thấy hiện lên một Vũ Bằng với trái tim đa cảm, dùng ngòi bút để vẽ nên bức tranh Bắc Việt xưa sống động, nơi ký ức về cái “rét ngọt”, mùa thu trăng sáng, và hương vị ẩm thực, và đặc biệt là tình yêu của ông với người vợ được đưa vào để người đọc có thể đồng cảm cùng với ông.
1. Tình yêu quê hương: Bắc Bộ trong tim kẻ ly hương
Vũ Bằng dành trọn tâm huyết để tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên Bắc Bộ qua bốn mùa luân chuyển. Ông gọi tên những cơn “rét ngọt”, là cái lạnh se sắt nhưng ẩn chứa hơi ấm của mùa đông, hay “rét nàng Bân”, cơn rét kéo dài như lời than thở của người thiếu phụ chờ chồng. Hay cái tiết trời mùa thu buồn ơi là buồn bởi những cơn mưa Ngâu đến thối đất.
Nhưng có lẽ, ánh trăng thu tháng Tám mới là hình ảnh ấn tượng nhất. Trăng thu trong “Thương nhớ mười hai” không đơn thuần là vầng sáng trên cao, mà là nhân chứng cho những đêm tâm tình cùng vợ, là cầu nối giữa quá khứ hạnh phúc và hiện tại chia lìa. Vũ Bằng viết về trăng với một sự yêu thương nồng thắm: “Lúc ấy, đứng dừng lại nhìn vào mắt vợ thì trong mắt vợ mình cũng thấy có trăng, có trăng cả ở toàn thân, mặc quần áo mà như là khỏa thân, chạm mạnh thì vỡ. Tự nhiên mình có cảm giác trăng ở trong lòng mình cũng lung linh một thứ ánh sáng xanh màu huyền dịu, thắm hoa hương, làm cho cả tâm óc chơi vơi rung động”. Ôi sao lại đẹp đến thế, từng từ một thể hiện sự yêu say đắm của ông đối với trăng và vợ mình, thế mới càng làm nổi bật hơn nỗi buồn của Vũ Bằng khi trăng vẫn còn đó nhưng ông không còn được thấy ánh trăng đó trong mắt vợ nữa.
2. Tình yêu con người: Nét đẹp của những phận đời bình dị
Trong nỗi nhớ quê, Vũ Bằng không quên những con người Bắc Bộ chân chất. Ông viết về những lễ hội của Bắc Việt, thông qua đó mà thể hiện những cái ân tình của con người quê hương, những con người thông minh sắc sảo, chịu thương, chịu khó vượt qua biết bao nhiêu nghịch cảnh của đất trời. Vũ Bằng lý giải tính cách con người Bắc Việt đôi khi có phần khắc nghiệt bởi những cái mà ông trời thử thách con người nơi đây, nhưng bên trong cái vỏ bọc gai góc, chai đời đó là những tâm hồn tràn đầy tình thương và nỗi niềm sâu sắc.
Đặc biệt, nhà văn dành sự trân trọng cho người phụ nữ Bắc Việt: họ là những người vợ, người mẹ tảo tần. Hình ảnh người vợ trong tác phẩm không chỉ là người bạn đời mà còn là biểu tượng cho sự thủy chung, đức hy sinh. Điều đó thể hiện rõ nét nhất qua cách những người phụ nữ chuẩn bị những món ăn cho gia đình hay chăm chút từng tí một để sắp xếp đón lễ Tết. Đọc “Thương nhớ mười hai” ta mới thấy Vũ Bằng dành một sự kính nể đối với những người phụ nữ đang vun vén gia đình bởi họ chính là những người góp phần lớn trong công cuộc xây dựng một Bắc Việt đẹp đẽ đến thế. Đó là một tư tưởng tiến bộ mà đến tận ngày hôm nay, những người đàn ông vẫn còn phải học tập lấy.
3. Tình yêu hòa bình: Khát vọng về một dải non sông
Viết trong bối cảnh đất nước chia cắt, “Thương nhớ mười hai” chất chứa khát khao hòa bình. Vũ Bằng nhớ về Hà Nội những ngày yên ả, tiếng ve râm ran mùa hạ, con phố cổ rêu phong… Tất cả đối lập với hiện thực chiến tranh khốc liệt. Ông mơ ước ngày Bắc – Nam sum họp, để ông được trở về quê hương của mình, là nơi ông đã gắn bó cả tuổi thơ, nơi chất chứa bao nhiêu kỷ niệm về gia đình của ông.
Tình yêu hòa bình trong “Thương nhớ mười hai” rõ ràng lắm, ông thể hiện sự căm ghét đối với Mỹ vì đã chia cắt nước Việt Nam, vì đã rải bom làm bao nhiêu sinh linh vô tội phải ra đi. Vũ Bằng thật sự mong muốn hòa bình, được tận hưởng không khí không có mùi thuốc súng, không còn sự chia cắt Bắc – Nam, không còn những gia đình chồng xa vợ, cha xa con, ông xa cháu. Tuyệt vời thay điều ông mong ước đã thành hiện thực, đọc rồi ta sẽ thấy vào thời điểm ấy sự thống nhất mà thế hệ chúng ta đang có hôm nay là quý giá đến thế nào.
4. Tình yêu ẩm thực: Hương vị quê nhà thấm đẫm ký ức
Vũ Bằng là bậc thầy miêu tả ẩm thực. Mỗi món ăn Bắc Bộ hiện lên sống động như có hồn: từ chim ngói béo ngậy nướng vàng ruộm, cá mòi mùa xuân thịt trắng ngần, đến chả cá anh vũ thơm lừng nức mũi. Ông không chỉ liệt kê mà còn gửi gắm cả kỷ niệm: hương rượu nếp thơm nồng gợi nhớ những đêm đông quây quần, vị ngọt thanh của nhãn Hưng Yên và bao nhiêu thức quà ngon lành khác, đọc mà phải nói là thèm nhỏ dãi. Nếu Vũ Bằng có làm tiktoker thời hiện đại vì video nào của ông chắc hẳn phải được 10 triệu view. Đọc từng con chữ mà hình ảnh món ăn ngon lành hiện lên kèm đó là những câu chuyện văn hóa, con người bên trong đó, ai mà chịu cho nổi cơ chứ?
5. Tình yêu lứa đôi: Nỗi đau chia cắt và lời thề son sắt
Ngày Valentine gần đến khiến người viết nhớ đến tình yêu của Vũ Bằng với vợ nên liền bật dậy mà viết một bài. Ôi sao tình yêu ấy lại đẹp đến thế mà lại buồn đến thế. Đẹp trong từng từ ngữ mà Vũ Bằng viết ra, những hình ảnh vợ chồng tâm tình dưới ánh trăng, dắt tay nhau đi xem hội, đưa nhau đi chợ Tết,… một tình yêu quá đẹp đối với người ở thời xô bồ hiện nay. Phố thị tất bật, người người lo lắng về nhiều thứ cao xa, mấy ai tìm thấy được tình yêu bình dị mà cao đẹp như Vũ Bằng và vợ?
Một tình yêu sắt son, chung thủy dẫu hai người ở hai nơi. Vũ Bằng không thể ở bên cạnh người vợ thủy chung lúc bà rời xa cõi đời, ông đã đau buồn biết bao. Những hình ảnh quá khứ đẹp đẽ càng làm ông buồn bã hơn, sự đau buồn vì đã có một tình yêu đẹp nhưng để rồi lại đánh mất. Đọc hết tác phẩm “Thương nhớ mười hai” thứ đọng lại được nhiều nhất trong lòng người đọc chắc chắn là nỗi day dứt về tình yêu lứa đôi này, mỗi người có thể sẽ có một cảm nhận khác nhau nhưng có lẽ ai cũng sẽ nhận ra mình phải trân trọng tình yêu bản thân đang có như thế nào hoặc nếu đang không có thì cũng nên tìm lấy một người ta yêu thương và cũng yêu thương ta. Đừng để vụt mất và rồi phải nuối tiếc thật nhiều.
Thương nhớ mười hai: Một bản tình ca
“Thương nhớ mười hai” không chỉ là những hồi ức về cố hương, đó là khúc ca về tình yêu – yêu quê hương đến quặn lòng, yêu con người bằng sự đồng cảm, yêu hòa bình như lẽ sống, yêu ẩm thực như hơi thở, và yêu người vợ như lẽ tồn tại. Qua từng trang sách, Vũ Bằng đã biến nỗi đau cá nhân thành kiệt tác văn chương, nơi độc giả thấy mình trong đó: những kẻ tha hương, những trái tim đầy thương nhớ. Tác phẩm mãi là lời nhắc nhở: Dù xa cách, tình yêu chân chính vẫn tỏa sáng như ánh trăng thu – vĩnh cửu và thuần khiết.