Tơ lòng đã đứt dây đàn Tiểu Lân

Trong Truyện Kiều, câu thơ này nằm trong đoạn Kiều trót nghe lời ngon ngọt của Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, khuyên Từ Hải đầu hàng triều đình. Vì chiều lòng phu nhân, “Thế công Từ mới chuyển ra thế hàng”. Nhưng khi Từ Hải đã bằng lòng về dưới trướng triều đình thì Hồ Tôn Hiến lại đê tiện bố trí phục binh, bắn chết Từ Hải ngay ngoài trận địa. Trong buổi tiệc mừng công, tên Tổng đốc gian ngoan này bắt Kiều hầu rượu, hầu đàn, rồi còn đủ trơ trẽn để hỏi Kiều sau này định tái giá với ai, có cần hắn giúp mai mối không.

“Dạy rằng: Hương lửa ba sinh,

Dây loan xin nối cầm lành cho ai?

Thưa rằng: Chút phận lạc loài,

Trong mình nghĩ đã có người thác oan.

Còn chi nữa cánh hoa tàn,

Tơ lòng đã đứt dây đàn Tiểu Lân.

Rộng thương còn mảnh hồng quần,

Hơi tàn được thấy gốc phần là may”.

Kiều trả lời rằng chính vì sự nhẹ dạ, sai lầm của mình nên đã hại chồng chết oan. Nay thân thể đã qua tay bao người, xem như tàn héo, trái tim đã chết như dây đàn trên gối. Mong Tổng đốc rộng lòng thương xót cho thân phận đàn bà yếu đuối, cho phép Kiều trở về quê hương.

 

Tiểu Lân tên thật là Phùng Thục Phi, là vợ của vua nước Bắc Tề thời Nam Bắc triều (năm 420~588 sau Công Nguyên). Nàng có nhan sắc và tài đánh đàn, được vua yêu chuộng. Bắc Tề suy vong, vua băng hà. Tướng Đường Đại vương mê nhan sắc và ngón đàn của nàng nên cưỡng bách nàng làm vợ. Khi bị buộc phải đánh đàn, Tiểu Lân buồn bã gẩy đàn nhưng dây đàn đứt. Đường Đại vương tỏ ý không vui, hỏi tại sao dây đàn đứt. Tiểu Lân trả lời bằng hai câu thơ:

“Muốn biết lòng đứt thế nào

Cứ xem dây đàn trên gối”.

 

Gối là đầu gối chứ không phải gối nằm.

 

Hồ Tôn Hiến là Tổng đốc triều đình, bằng việc lợi dụng sự nhẹ dạ của Kiều để thuyết phục Từ Hải đầu hàng, xem như họ Hồ cũng có đầu óc chiến lược, “bất chiến tự nhiên thành”. Tuy nhiên, đã thu phục được Từ Hải, họ Hồ không dùng nhân tài để phụng sự xã tắc, mà chẳng ngần ngại giết chết Từ Hải. Đó là cách làm đê hèn của loại người phản phúc. Do đó, khi hắn mặt dày hỏi Kiều sau này định gả cho ai, rõ là gạ gẫm nàng gả cho hắn luôn đi, Kiều đã dùng điển tích về nàng Tiểu Lân để trả lời hắn, ý ngầm hỏi hắn có phải một tên Đường Đại vương thứ hai, chỉ vì ham mê nữ sắc mà hoàn toàn đánh mất lương tri và lòng tự trọng không.

 

Chưa hết, hai câu thơ tiếp theo tưởng như chỉ là lời vừa xót xa phận mình vừa van vỉ Hồ Tôn Hiến rủ lòng thương, nhưng thực ra đó còn là cách Kiều mỉa mai châm biếm họ Hồ. “Hồng quần” là quần màu hồng, đỏ của phụ nữ Trung Hoa xưa, ý chỉ chung về người phụ nữ yếu đuối. “Mảnh” là đại từ dùng chỉ những vật nhẹ, mỏng manh. Kiều không dùng “phận hồng quần” mà dùng từ rất trực quan “mảnh hồng quần”, ý nói nếu Hồ Tôn Hiến không tha cho nàng thì đến mảnh quần nàng cũng không giữ được! Chỉ vài câu thơ ngắn gọn mà hàm chứa tầng tầng lớp lớp ý nghĩa sâu xa, tài năng của cụ Nguyễn Du quả thực quá tuyệt vời.

 

Nói xa rời chủ đề một chút, ngày xưa khó mua được phụ kiện thay thế, nên dây đàn đứt thì cây đàn xem như không sử dụng được nữa. Nhưng ngày nay dây đàn hoặc phím đàn đều có thể thay hoặc sửa, do đó nếu dây đàn (hay tơ lòng) bị đứt thì các bạn cũng đừng quá bi quan phiền muộn. Hãy thay dây đàn mới (nối lại tơ lòng) và an lạc sống tiếp, rồi các bạn sẽ lại tấu lên được những khúc nhạc mang âm điệu trầm bổng trong đời.

 

Thỉnh thoảng mình sẽ chọn những câu Kiều mà mình thích, chứa nhiều ý nghĩa và điển tích để viết bài chia sẻ cảm nghĩ. Các bạn nhớ đón đọc để mình có thêm động lực viết nhé 😀

.

Bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn “Điển tích Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Tử Quang, lấy thêm tư liệu từ cuốn Truyện Kiều do tác giả Đặng Thanh Lê trích, giới thiệu và chú thích.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp