TRÍ TUỆ LÃNH ĐẠO: XƯA NHƯNG KHÔNG CŨ

Bộ sách “Trí Tuệ Lãnh Đạo”, gồm 6 cuốn do học giả Thường Vạn Lý chủ biên, trình bày cho ta kho tàng khôn ngoan của cổ nhân trong thuật làm người (trong tương quan với chính mình) và dùng người (trong tương quan với các cộng sự). Bộ sách này đặc biệt thích hợp với các nhà lãnh đạo ở mọi lĩnh vực – nếu nói như người xưa thì bộ sách này sẽ giúp người lãnh đạo trở thành người văn võ song toàn và tài đức vẹn toàn. 

 

“Trường đoản kinh”: Hãy biết mình

“Hãy biết mình” được người Hy Lạp cổ đại xem là việc đầu tiên và quan trọng nhất mà một người cần làm được nếu muốn thấu đạt khôn ngoan. Điều ấy cũng được thể hiện rõ trong “Trường đoản kinh” do Triệu Nhuy thời Đường biên soạn, với nội dung chính yếu là “thuật cơ quyền của vương bá, thuật trường đoản của chính biến.”

Trí tuệ lãnh đạo trước hết phải bắt đầu từ “vua giữ đạo của mình, quan biết việc mình cần làm.” Nghĩa là ta phải biết rõ mình là ai, mình đang ở vị trí nào và có nhiệm vụ nào. Biết mình cũng là biết người và giúp người hiện thực hoá được tự ngã của mình. Biết mình và biết người cũng là biết cách dụng sở trường, đồng thời khắc chế và chuyển hoá sở đoản thành cơ hội. Cái đức hạnh của người lãnh đạo cũng khởi đi từ điểm đó.

 

“Băng giám”: Chính tà phải xem mắt mũi

Trong lịch sử Trung Quốc, Gia Cát Lượng, Lã Bất Vi, Tư Mã Quang, Khương Tử Nha đều nổi tiếng vì thuật nhìn người và dùng người. Gia Cát Lượng hỏi chuyện thị phi để đánh giá chí hướng của đối phương và giao việc định thời hạn để xác định mức độ giữ chữ tín. Lã Bất Vi thì lấy niềm vui để đánh giá khả năng tiết chế và dùng nỗi sợ để kiểm tra mức độ kiên trì. Tư Mã Quang dù trong hoàn cảnh nào, ngay cả phải dùng đến kẻ ngốc thì vẫn quyết không dụng tiểu nhân. Khương Tử Nha sẽ dùng cái khó mà định dũng khí. 

Ngoài ra còn có Tăng Quốc Phiên. Với ông, trước khi dụng người thì phải xác định được ai là kẻ tốt, ai là kẻ xấu. Cách thức mà ông đưa ra bao giờ cũng là xem mắt mũi, tức là xét tướng mạo. Điều đó đòi hỏi khi tuyển dụng, người lãnh đạo phải trực tiếp gặp và trao đổi với ứng viên. Những quan sát tinh tường của ông được tổng hợp lại trong cuốn “Băng giám,” ngụ ý lấy băng làm gương, nhìn thấu tỏ chân tơ kẽ tóc.

 

“Đức nhẫn”: Nhẫn nại là sức mạnh

Các hiền nhân thuở xưa luôn đề cao chữ Nhẫn. Lão Tử từng nói, “kẻ mềm mỏng là kẻ mạnh.” Khổng Tử góp lời, “không nhẫn trong chuyện nhỏ thì chuyện lớn ắt không thành.” Chữ Nhẫn đã trở thành đặc điểm tính cách quan trọng của người phương Đông. Vậy còn phương Tây? Từ đầu thời triết học kinh viện, Augustine đã khẳng định: “Đức Nhẫn giúp con người chịu đựng điều xấu bằng một tâm hồn thanh thản.”

Vậy thì cả Đông cả Tây đều cùng nhìn nhận: đức Nhẫn không chỉ giúp con người chịu đựng những gian khó mà còn giúp vượt qua tất cả bằng một tâm hồn thanh thoát. Điều đó cũng được thể hiện trong cuốn “Khuyến nhẫn bách châm.” Cuốn sách cho thấy chữ Nhẫn có thể áp dụng với mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Lớn thì liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, nhỏ thì liên quan đến chuyện thành bại của cá nhân. 

 

“Đạo làm quan”: Khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu

Khi răn dạy các môn đồ về lối sống cần có giữa thế gian nhiều cạm bẫy, Đức Jesus khuyên: “Hãy khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu.” Dẫu vẫn biết nhân tính vốn thiện và có cả pháp luật áp chế phần ác trong nhân tâm nhưng thế gian thực là biến hoá khôn lường, cũng là vì lòng người khôn dò khôn thấu. Người nên như rắn, là biết khôn ngoan và cẩn trọng. Người nên như bồ câu, là biết đơn thành và hiền hoà.

Kiếp đời là thế, chốn quan trường cũng không ngoại lệ. “Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ” cũng là “Nhân tại quan trường, thân bất do kỷ.” Ở chốn quan trường, ta bị bủa vây bởi phú quý, nhung lụa, bởi quyền lực phe cánh. “Đạo làm quan” trích lược tư tưởng của Lã Bản Trung và Uông Huy Tổ, cho ta lời khuyên tương tự như rắn và bồ câu: biết nhu biết cương, có vuông có tròn. Nhưng cần nói cho rõ: đó không phải là ba phải, ngả nghiêng. 

 

“Quỷ Cốc Tử”: Lấy dân làm thân thể

Lễ Ký ghi: “Dân dĩ quân vi tâm, quân dĩ dân vi thể”, tức là “Dân lấy vua làm tâm, vua lấy dân làm thân thể.” Tư tưởng lấy dân làm gốc cũng được ghi lại trong Kinh Thư: “Vua bởi dân mà còn, cũng bởi dân mà mất” (“Quân dĩ dân tồn, diệc dĩ dân vong”). Mạnh Tử còn dạy: muốn lấy được lòng dân thì làm cho họ những gì dân thích và chớ làm những gì dân ghét. Đó không phải là chiều ý dân vô tội vạ, nhưng là biết đâu là điều thiện cho dân để ưu tiên và cố gắng thực hiện.

Cuốn sách “Quỷ Cốc Tử” bàn đến nhập thế và mưu cầu phú quý chính là theo đường hướng đó khi áp dụng vào cho người lãnh đạo. Đó cũng là con đường “đắc nhân tâm” của người lãnh đạo. 

 

“Nhân vật chí”: Trở thành chân tài

Trong “Nhân vật chí,” Lưu Thiệu (thuộc nước Nguỵ thời Tam Quốc) trình bày “cửu trưng” của một nhân tài, bao gồm thần, tính, cân, cốt, khí, sắc, nghi, dung, ngôn; và “ngũ diện” của một nhân tài, là kiêm đức, kiêm tài, thiên tài, y tự, gian tạp. Lưu Thiệu quan tâm trình bày cho ta những ý này, vì theo ông, người lãnh đạo có trách nhiệm phải nhận biết và phát hiện nhân tài, rồi giao trọng trách cho họ. Đó là yếu tố then chốt, quyết định xem đó có phải là người lãnh đạo thành công không.

Nhận biết nhân tài cố nhiên đã khó và quan trọng, và việc phát hiện và tiến cử nhân tài lại càng khó và quan trọng hơn. Người có khả năng đầu hẳn là nhân tài; người có cả khả năng sau thì thực là chân tài. “Hiểu nhân tài là trí tuệ, tiến cử nhân tài là nhân ái, dẫn tiến hiền tài là đạo nghĩa và chức trách.”

 

***

Bộ “Trí Tuệ Lãnh Đạo” dù xưa nhưng không hề cũ: sách dựa vào trí tuệ của người xưa, trình bày cách thức để người lãnh đạo thu phục được nhân tài. Tuy nhiên cần nhớ rằng, mọi sự đều khởi đi từ việc tu thân. Nghĩa là tiên vàn, nhà lãnh đạo phải là hiền tài. Vua phải sáng thì tôi mới hiền. Do đó, trước hết, lãnh đạo là lãnh đạo chính bản thân mình trước. Mà lãnh đạo bản thân chính là rèn tâm cho thật sáng!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp