Hầu như mỗi câu thành ngữ đều chứa đựng một câu chuyện hoặc một giai thoại sâu sắc, là tinh hoa đúc kết từ hiểu biết của người xưa. Thành ngữ “Tương kính như tân” xuất phát từ tiếng Hán, mang ý nghĩa là vợ chồng nên đối xử với nhau như khách, có thái độ tôn trọng nhau như thuở ban đầu, mỗi người tự điều chỉnh và thích nghi để hòa hợp với đối phương, như vậy cuộc hôn nhân mới có thể lâu bền. Không phải tự nhiên mà mọi người đều biết và hiểu giá trị “đáng nghìn vàng” của thuở ban đầu:
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.
(Thơ Thế Lữ)
Câu chuyện về thành ngữ “Tương kính như tân” là:
Vào thời Xuân Thu (năm 770~476 trước Công Nguyên), vua nước Tấn cử sứ thần sang thăm nước Lỗ. Trên đường trở về nước Tấn, sứ thần gặp một đôi vợ chồng nước Kế đang ở ngoài đồng. Người vợ đem cơm trưa cho chồng, đưa cơm bằng hai tay, thái độ rất lễ phép. Người chồng cũng nhận một cách lễ độ và biết ơn. Rất ấn tượng trước cách cư xử của hai người họ, sứ thần mời cả hai về nước Tấn, kể lại với vua. Ông tâu rằng: “Tôn kính là một biểu hiện của đức hạnh. Ai biết kính lễ, ắt là người có đạo đức! Chúng ta cần giáo dục người dân về đức tính tốt này”. Theo lời khuyên của sứ thần, vua ban cho người chồng một chức vụ quan trọng.
Sau khi kết hôn đã lâu, biết rõ thói hư tật xấu của nhau, giao tiếp hằng ngày dễ bị trở nên suồng sã, buông tuồng, không còn giữ ý tứ, không thể hiện ra cái hay cái đẹp của bản thân như lúc mới yêu. Đồng ý rằng khi đã trở thành người thân của nhau thì cuộc sống thường ngày cũng phải thoải mái, không thể lúc nào cũng phải trưng ra dáng vẻ lịch lãm như khi ra ngoài xã hội. Thế nhưng, nếu không biết giữ gìn phép lịch sự tối thiểu, không màng đến chuyện chăm chút cho bản thân trông tươm tất, không còn nhiều hứng thú với việc chăm sóc cho đối phương từng ly từng tí, thì tình cảm sẽ sớm bị phai nhạt. Mình nghĩ “tương kính như tân” là một trong những kỹ năng sống quan trọng để góp phần giữ lửa hôn nhân.
Tuy câu thành ngữ này cốt ý nói về mối quan hệ giữa vợ chồng, nhưng chắc cũng có thể áp dụng trong các mối quan hệ xã hội, giữa bạn bè với nhau, giữa sếp và nhân viên… Không phải là quá xã giao, khách sáo, nhưng nếu thái độ không đủ tôn trọng thì có một bên sẽ bất bình, bất mãn, mối quan hệ hoặc cuộc giao dịch sẽ không thể tiến triển tốt đẹp. Muốn biết “đối xử với nhau như khách quý” là thế nào thì các bạn hãy quan sát cung cách bán hàng của người Hoa, có rất nhiều điều để học hỏi từ họ đó nha.