Lưu ý: Trong bài viết có vài từ nhạy cảm, mình cố tình viết sai chính tả để không vi phạm thuần phong mỹ tục trên mạng! Bạn nào dùng kiểu gõ chữ Telex thì sẽ hiểu ngay mình đang viết gì.
Thành ngữ Việt Nam có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, tức là nếu tập trung rèn luyện trong một ngành nghề duy nhất thì sẽ trở nên giỏi giang trong lĩnh vực ấy, có thể đạt được nhiều thành quả tốt. Nếu chỉ nhìn nghĩa trên mặt chữ, bỏ qua các khúc mắc về tâm lý, không mang tư tưởng phán xét, thì thành ngữ này chắc cũng áp dụng được cho nghệ maij daam, tức là bán thân nuôi miệng. Trong Truyện Kiều, để trở nên “nghệ tinh” trong nghề maij daam thì cần thuần thục “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”.
Sau khi bị Tú Bà và Sở Khanh toa rập cùng nhau lừa dối, Thúy Kiều đành chấp nhận làm kỹ nữ buôn phấn bán hương tại lầu xanh. Tú Bà bày đặt truyền đạt cho Kiều nghệ thuật tiếp đãi khiến khách hàng phải mê mệt, si lụy nàng:
“Mụ rằng: Ai cũng như ai,
Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng chung.
Này con thuộc lấy làm lòng,
Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề”.
Vào ở lầu xanh tức là cam chịu hành nghề tiếp khách. Đã gọi là nghề tất phải được tinh luyện, phải có nghệ thuật cao của nghề. Muốn đắt khách, lầu xanh thờ tổ nghề là thần Bạch Mi (có đề cập đến trong một câu Kiều khác là “Cũng thần Mày Trắng cũng phường lầu xanh”). Nhưng người trong lầu xanh không phải hoàn toàn dựa dẫm vào vị thần này, mà họ còn đi sâu tìm hiểu cụ thể tâm lý, sở thích tính dục của khách. Vì nếu chỉ vô tư hành nghề theo quan niệm “khách đến lầu xanh chỉ để tìm thú vui thể xác” thì “ai cũng như ai”, và “người ta ai mất tiền hoài đến đây”. Kẻ bán daam cần có nhiều thủ đoạn, mánh khóe, kiểu cách, tức là phải có nghệ thuật khiến khách hài lòng, say mê, tuy thỏa mãn nhưng không chán chê, vẫn quyến luyến thèm muốn, chặt không đứt, bứt không rời!
Nói tóm lại đây chính là nghệ thuật “câu khách” ở kỹ viện, vì phải làm thế thì khách mới đeo đuổi, mới vung tiền đến sạt nghiệp… để còn luyến tiếc thèm muốn những khoái cảm say sưa, và kẻ bán hoa mới bền bỉ móc túi của họ được. Như mình đã viết ở đoạn đầu, nếu bỏ qua các khúc mắc tâm lý và không phê phán thì phải công nhận nghề maij daam cũng nhiều khó khăn phức tạp. Cho nên, mụ Tú Bà là tay lão luyện giang hồ mới dặn dò như sau lúc Kiều bắt đầu vào nghề:
“Nghề chơi cũng lắm công phu,
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều”.
Vậy đủ điều là gì?
“Vành ngoài” tức là hình thức bên ngoài, là cách đối xử “bên ngoài” với khách, khi chưa áp dụng các kỹ thuật phòng the. “Bảy chữ” là bảy việc ghi bằng chữ cho dễ nhớ, gồm có:
1_ KHẤP: Khóc tỉ tê khiến khách xúc động thương xót
2_ TIỆN: Giả vờ cắt tóc thề nguyền để khách tin
3_ THÍCH: Viết tên khách lên tay mình giả ý thương yêu
4_ THIÊU: Đốt hương thề nguyền với khách
5_ GIÁ: Giả vờ hẹn lấy khách làm chồng, xin làm vợ lẽ
6_ TẨU: Rủ khách cùng trốn đi giả như giữ lòng chung thủy
7_ TỬ: Giả liều chết để khách khuyên ngăn
“Vành trong” là cách đối xử “bên trong” với khách. “Tám nghề” là tám kỹ thuật ân ái, tùy tính cách của mỗi đối tượng để làm cho khách thỏa mãn về nhucj ducj. Tám nghề là:
1_ Tiếp người nhỏ con thì dùng cách “kích cổ thôi hoa”
2_ Tiếp người to béo thì dùng cách “kim liên song tỏa”
3_ Tiếp người nóng vội thì dùng cách “đại xiển kỳ cổ”
4_ Tiếp người chậm chạp thì dùng cách “mạn đả khinh khao”
5_ Tiếp người non nớt thì dùng cách “khẩn khuyên tam trật”
6_ Tiếp người thạo đời thì dùng cách “tả trì hữu trì”
7_ Tiếp người si tình thì dùng cách “tỏa tâm truy hồn”
8_ Tiếp người lạnh lùng thì dùng cách “nhiếp thần nhiệm tỏa”
Quả thật là “nghề chơi cũng lắm công phu”!
Trừ những người tự nguyện theo con đường bán thân nuôi miệng, còn những ai bị ép uổng, bị gài bẫy phải bước vào con đường này thì chúng ta có thể hình dung cảm giác khó chịu, cay đắng, tủi hờn của họ khi phải học “vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề”. Theo mình được biết, ở một số quốc gia văn minh phát triển, người hành nghề maij daam cũng được pháp luật bảo vệ, được hướng dẫn kiến thức tự bảo vệ bản thân, được tiến hành miễn phí các biện pháp bảo vệ về mặt y tế như phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tinhf ducj… Có cầu thì mới có cung, từ thời cổ đại thì nghề maij daam đã tồn tại, và mình bi quan đoán rằng nó sẽ tồn tại đến khi nào con người còn có mặt trên Trái Đất. Do đó, mình nghĩ để giữ tư tưởng nhân văn, tôn trọng nhân quyền, thì chúng ta cố gắng thấu hiểu và không phán xét. (Nói thì dễ, miễn là họ chưa làm gì đụng đến ta, chưa làm gì phá hoại hạnh phúc gia đình ta thì ta vẫn có thể không phán xét họ). Trong một tác phẩm văn thơ ở thời phong kiến mà đại thi hào Nguyễn Du đã có thể đưa vào những vấn đề nóng bỏng, mang tính tâm lý sâu sắc như thế, quả thật khiến người đọc phải tán thưởng vì được mở mang trí óc 😀
.
Hình minh họa chụp từ cuốn “Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” được giới thiệu trong video dưới đây
https://www.youtube.com/watch?v=7ztqo4WyRqg&t=14s
Bài viết lấy tư liệu và được truyền cảm hứng từ cuốn “Điển tích Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Tử Quang.