VỀ BÌNH GIẢNG VĂN HỌC

(Bài viết dưới đây là tóm lại ý chính của phần “Về công việc bình giảng ca dao” in trong cuốn “Bình Giảng Ca Dao” của Hoàng Tiến Tựu, NXB Giáo Dục in năm 1992)

Dưới đây là phần giới thiệu các thao tác cơ bản giúp tiếp cận một tác phẩm văn chương. Hay nói theo cách khác, đó là những cách cơ bản giúp hiểu và cảm một tác phẩm văn chương. Điều bạn dễ dàng nhận ra là các thao tác ấy đều được áp dụng rộng rãi trong nhà trường phổ thông từ những năm 1980 cho đến nay. Lí luận về các thao tác ấy một cách chuyên sâu không phải là mục tiêu hướng đến của bài viết gốc, cũng như của phần tóm lược bên dưới. Do đó, một cách đơn thuần, đây chỉ là những thông tin cơ bản, ít ra có thể giúp bạn sử dụng đúng từ trong đúng hoàn cảnh. Thiết nghĩ riêng chuyện đó thôi cũng là một việc quan trọng mà môn ngữ Văn hướng đến. 

Bình văn khác với giảng văn như thế nào?

Đó là hai loại công việc gần nhau nhưng khác nhau rõ rệt. Chúng có thể được làm độc lập, riêng rẽ. Cũng có thể được làm xen kẽ kết hợp (vừa bình vừa giảng) với những mức độ và tỉ lệ khác nhau. Vì vậy mà nẩy sinh thuật ngữ bình giảng (hoặc giảng bình) văn học.

Người bình văn có quyền trình bày, thể hiện sự cảm thụ, thưởng thức, đánh giá tác phẩm văn học trước công chúng (người nghe, người đọc) một cách tự do (thích đoạn nào bình đoạn ấy, nói dài hay ngắn đều được). Còn khi giảng văn, nói chung người giảng phải làm việc một cách khách quan, khoa học và ít tự do hơn. Người giảng phải vận dụng tri thức văn học và các nguồn tri thức khác có quan hệ với tác phẩm để phân tích, lí giải tác phẩm, giúp cho người nghe, người đọc hiểu đúng, hiểu sâu tác phẩm. Nhưng hình thức giảng văn đơn thuần dễ sa vào việc phân tích lí giải tác phẩm một cách lí trí, công thức, khô khan, thiếu sinh động, khiến cho người nghe, người đọc kém hứng thú, tiếp thu một cách thụ động và do đó cũng khó có điều kiện để nhận thức và cảm thụ được nhiều mặt của tác phẩm. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho hình thức giảng văn lí trí khô khan, ngày càng ít được ưa chuộng và hình thức bình giảng ngày càng phát triển mạnh ở trong nhà trường cũng như trên sách báo. Sự kết chặt giữa bình và giảng giúp cho việc lí giải và đánh giá tác phẩm văn học giảm bớt tính chất lí trí, công thức, đồng thời cũng tránh được sự nhận xét cảm tính, chủ quan, thiếu căn cứ. Bởi vì ở đây, cái ưu của giảng có thể góp phần hạn chế cái nhược của bình và ngược lại. Cố nhiên sự thành công của một bài bình giảng văn học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là trình độ và tài năng của người thực hiện.

Bình giảng khác với bình chú như thế nào?

Bên cạnh hình thức bình giảng, lâu nay trong các trường phổ thông trung học nước ta còn có hình thức bình chú tác phẩm văn học. Có người coi hình thức này là anh em, họ hàng của bình giảng (nghĩa là cùng loại nhưng nhỏ hơn, nhẹ hơn, sơ lược hơn). Chữ “chú” ở đây có nghĩa là giải thích thêm, nói thêm, ghi thêm cho rõ. Khi bình chú một bài thơ, một đoạn văn trích hay một bài ca dao, giáo viên chỉ chọn giải thích một số điểm, nhận xét một đôi điều để gợi mở, tạo điều kiện thuận lợi và gây hứng thú cho học sinh tiếp tục tự tìm hiểu thêm. Hình thức này nhẹ nhàng, đơn giản, ít công phu hơn hình thức bình giảng. Một bài thơ ngắn có thể chỉ bình chú trong khoảng vài chục phút, mỗi tiết học có thể bình chú vài ba bài, vừa mở rộng sự tiếp xúc tác phẩm cho học sinh, vừa mở rộng sự tự do phát huy năng lực sở trường bình xét cảm thụ văn học của giáo viên. Nhưng thường cái gì cũng có hai mặt. Hình thức này cũng vậy, nếu không chú ý làm nghiêm túc, đúng kiểu, thì nó dễ khiến cho giáo viên rơi vào sự tự do tùy tiện, giải thích qua loa vô bổ, thậm chí dẫn dắt học sinh đi lạc hướng và hiểu sai tác phẩm.

Hai hình thức khác: phân tích tác phẩm và thẩm văn

Ngoài mấy hình thức kể trên (bình văn, giảng văn, bình giảng và bình chú tác phẩm) cũng cần nói đến hai hình thức nữa là phân tích tác phẩm và thẩm văn. Phân tích là một phương pháp được áp dụng phổ biến ở nhiều môn khoa học (hóa học, sinh vật học, toán học, văn học…) nhằm chia tách sự vật, hiện tượng và nói chung là đối tượng nghiên cứu ra từng phần, từng mặt, từng yếu tố để quan sát, tìm hiểu cặn kẽ, tường tận. Trong nghiên cứu văn học, phương pháp phân tích có thể được dùng để quan sát, tìm hiểu một giai đoạn của lịch sử văn học, một trường phái sáng tác, một nhà văn, một tác phẩm hoặc một đoạn trích, thậm chí một câu văn, câu thơ. Đối tượng phân tích càng nhỏ hẹp thì sự phân tích càng có điều kiện để làm sâu, làm kĩ. Giảng văn thực chất chủ yếu cũng là phân tích, lí giải tác phẩm văn học (khi giảng giải người ta phải thường xuyên sử dụng phương pháp này). Có điều cần thấy rõ là trong quá trình giảng văn, ngoài phương pháp phân tích được sử dụng khá thường xuyên linh hoạt, người giảng còn vận dụng kết hợp nhiều loại phương pháp khác (như phương pháp tổng hợp, diễn dịch, quy nạp, so sánh v.v…) để giúp cho người nghe, người đọc lĩnh hội được nhiều mặt của tác phẩm. Vì thế, giảng văn được nhiều người trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học nước ta quan niệm là môn học mang tính chất tổng hợp của nhà trường. Tính chất tổng hợp này được thể hiện khá rõ trong chức năng, nhiệm vụ, nội dung giáo dục, giáo dưỡng và cả trong phương pháp của nó nữa. Về vấn đề này, giáo sư Lê Trí Viễn cũng đã có những nhận xét đáng chú ý: “Trong tay nghề của thầy giáo (ở đây đang nói về thầy giáo Ngữ văn ở trường phổ thông trung học – HTT) năng lực giảng văn là then chốt (…). Không ít người còn nghĩ rằng hễ giỏi về khoa học cơ bản thuộc ngành văn là khắc giảng văn tốt. Cho dù đã được rèn luyện năng lực vận dụng tri thức khoa học cơ bản ấy vào tìm hiểu, nhận xét tác phẩm văn học, thì đó mới là năng lực phân tích tác phẩm, chứ chưa phải năng lực giảng văn, nhiều nhất đó mới là một phần của năng lực giảng văn”. Và: “Giảng văn là nơi chứng tỏ bao nhiêu tri thức của các khoa học ngôn ngữ và văn học, giáo dục và chính trị đã được hay chưa được tiêu hóa, đã được hay chưa được vận dụng một cách tổng hợp để làm thành chất liệu của bài giảng. Giảng văn cũng là cơ hội để chứng tỏ trình độ văn hóa, chính trị, đạo đức nói chung, trình độ nghiên cứu, trình độ tư duy, năng lực giảng dạy và giáo dục, năng lực cảm thụ văn học, năng lực diễn đạt bằng lời nói”.

Nếu giảng văn và phân tích tác phẩm văn học là công việc thông thường, phổ biến của những người giảng dạy và nghiên cứu văn học thì thẩm văn lại được coi là công việc mang tính chuyên môn đặc biệt chỉ dành riêng cho những người thật sành văn. Ở đây, thẩm có nghĩa là xét đoán kĩ càng, tinh tường, chính xác, sự xem xét có tính chuyên môn cao, chứ không phải sự xem xét thông thường (ví dụ thẩm án, thẩm âm, thẩm văn, thẩm thơ…).

Trên đây chỉ là sự phân biệt và giới thuyết sơ lược về những khái niệm và thuật ngữ liên quan gần gũi với công việc bình giảng tác phẩm văn học. Qua đấy nhằm góp phần giúp các bạn sinh viên bước đầu tiếp cận một tác phẩm văn chương một cách đỡ khó khăn, trở ngại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp