WORKSHOP “THỬ CẢM MỘT CUỘN PHIM”
Khi xem một cảnh nóng trong một bộ phim, bạn nghĩ gì??? Làm cách nào để phân biệt được đâu là cảnh nóng được thêm thắt vào với dụng ý nghệ thuật hay chỉ đơn giản là muốn “câu khách”? Đây là một ví dụ trực quan và trực diện nhất để thấy được tầm quan trọng của kiến thức về Ngôn ngữ điện ảnh và Mỹ học điện ảnh.
Khi có nền tảng là kiến thức về góc máy, cú máy, màu sắc, ánh sáng, v.v., hay biết cách phân tích xem cảnh nhạy cảm ấy hay những cảnh tương tự có vai trò, đóng góp như thế nào trong cả một bộ phim, người xem sẽ dễ dàng đưa ra nhận định một cách có cơ sở hơn. Nhưng liệu mọi thứ có đơn giản đến thế khi cảnh nóng chỉ là một trong vô vàn ví dụ cho chỉ một trong vô vàn chủ đề liên quan đến điện ảnh?
Vào 2 thứ bảy cuối tháng 11/2024, BTS tổ chức workshop THỬ CẢM MỘT CUỘN PHIM, là buổi chia sẻ và thảo luận dành cho các bạn yêu thích điện ảnh và muốn bước đầu hiểu rõ một bộ phim hơn qua lăng kính Ngôn ngữ điện ảnh và Mỹ học điện ảnh, từ đó trau dồi khả năng thưởng thức một tác phẩm điện ảnh !!!
Workshop sẽ diễn ra trong 2 ngày, chia ra làm 2 chủ đề như sau (2 buổi chia sẻ có tính chất bổ trợ lẫn nhau, khuyến khích tham gia đầy đủ cả 2 để trải nghiệm được trọn vẹn nhất):
• Chủ đề 1: Cảm từ sự phát triển ngôn ngữ điện ảnh
• Thời gian: 13h30 – 16h30 | Thứ Bảy ngày 23 tháng 11/năm 2024
Ngôn ngữ điện ảnh không đơn thuần là tập hợp các khái niệm kỹ thuật về góc máy toàn, trung, cận, cao, thấp. Vậy làm thế nào những yếu tố kỹ thuật ấy chuyển hóa thành một ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo? Nghệ thuật điện ảnh có thực sự ra đời cùng lúc với anh em nhà Lumière hay với Georges Méliès?
Buổi đầu tiên sẽ dẫn dắt người tham dự qua một hành trình lược sử về điện ảnh – nơi bản chất của nghệ thuật điện ảnh dần tự bộc lộ. Chúng ta sẽ quan sát sự phát triển điện ảnh toàn cầu qua hai cột mốc quan trọng theo quan điểm của Georges Sadoul: Griffith của điện ảnh Mỹ và nhóm VGIK của điện ảnh Soviet. Qua dòng chảy lịch sử, chúng ta sẽ thấy được sự phát triển của ngôn ngữ điện ảnh đặc thù khu biệt, hiểu được điện ảnh khác biệt thế nào so với sân khấu, và khám phá ngữ pháp độc đáo của ngôn ngữ nghệ thuật này.
• Chủ đề 2: Cảm từ mỹ học điện ảnh
• Thời gian: 13h30 – 16h30 | Thứ Bảy ngày 30 tháng 11/năm 2024
Tiếp nối nền tảng từ buổi đầu tiên, buổi thứ hai đưa chúng ta đi sâu vào thế giới mỹ học điện ảnh – nơi ta tìm lời giải cho câu hỏi “tại sao bộ phim trông như thế này mà không như thế khác?”.
Để giải mã một tác phẩm điện ảnh, chúng ta sẽ tiếp cận mô hình ba trụ cột sáng tác: Tác giả – Tác phẩm – Tác văn. Từ đó, chúng ta sẽ khám phá cấu trúc hình thành nên một tác phẩm điện ảnh thông qua các yếu tố: chủ đề, đề tài, tư duy hình tượng, cấu trúc, kết cấu, nhân vật, não trạng, chỉnh thể, chi tiết, nội dung và hình thức. Việc nắm vững những phạm trù này trong phân tích tác phẩm sẽ giúp người xem đạt được những cảm xúc thẩm mỹ ngày càng sâu sắc, không còn mơ hồ, đúng với bản chất giải trí đích thực mà nghệ thuật mang lại.
Chi phí tham dự cho mỗi buổi là 100.000đ/người (đã bao gồm tiền nước, phí gửi xe). Nếu bạn đăng ký cùng lúc 2 buổi thì phí tham dự là 150.000đ/người/2 buổi.
Buổi chia sẻ diễn ra tại Bá Tân – Sách Cũ Thư Viện – CN: Đường Sách Thủ Đức. Chúng mình rất vui khi nhận được sự ủng hộ và quan tâm từ những bạn yêu điện ảnh cũng như những người muốn hiểu rõ hơn về bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Cảm ơn và hẹn sớm gặp lại mọi người!