HỌC SINH ĐỌC VĂN TRONG THẾ GIỚI PHẲNG

“Giữa thế giới phẳng hiện nay, với sự phát triển vũ bão của công nghệ, thì liệu có khả năng nào văn chương sẽ bị thay thế bởi một thứ gì đó khác? Liệu có lúc nào văn chương không còn khả năng nuôi dưỡng đời sống tinh thần của con người không?”

Đó là câu hỏi đã được nêu ra trong buổi trò chuyện HỌC SINH ĐỌC VĂN TRONG THẾ GIỚI PHẲNG do Bá Tân – Sách cũ thư viện tổ chức tại Đường sách thành phố Thủ Đức, vào lúc 08g30 sáng Chủ nhật, ngày 05/01/2025 vừa rồi. Hai diễn giả hôm đó – hai cô giáo Nguyễn Thị Lâm và Nguyễn Thị Như Nguyện – bằng trải nghiệm riêng của mình, đã đưa ra những lời đáp đầy thuyết phục cho vấn đề trên.

Thế giới phẳng và cuốn sách cũng phẳng theo

Thế giới phẳng là thuật ngữ do tác giả Thomas Friedman đề xuất trong cuốn sách nổi tiếng cùng tên của mình. Theo đó, thuật ngữ này mô tả một thế giới trên đà toàn cầu hoá, và nhờ internet và sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin mà thế giới này ngày càng phẳng hơn, nghĩa là ngày càng trở thành sân chơi công bằng cho hết thảy mọi người. Ở thế kỷ XXI này, hiện tượng thế giới phẳng này được thể hiện rõ qua việc mỗi người đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại thông minh. Cả thế giới dường như thu nhỏ lại trong một chiếc điện thoại cầm tay; và chiếc điện thoại ấy ngày càng phẳng và mỏng nhưng lại mang trong mình nhiều tính năng giúp người dùng xử lý được rất nhiều việc: như nhắn gọi, chơi game, mua hàng, đặt lịch hẹn, v.v. và đọc sách.

Trong bối cảnh đó cuốn sách, vốn cong theo từng trang sách được lật giở, giờ cũng phẳng. Giờ đây người ta khi đọc thì không hẳn là đọc sách nữa, bởi họ đã chẳng cầm một cuốn sách vật lý nào trên tay. Trên tay họ là chiếc điện thoại, là cái laptop, là cái máy kindle; con chữ họ đọc không còn được in bằng mực đè lên trang giấy, nhưng là những ký tự được mã hoá và sắp đặt trên các giao diện công nghệ. Thậm chí con người thế kỷ XXI còn “đọc” bằng cách nghe nữa. Multitasking (đa nhiệm) được thể hiện rõ trong việc “đọc”: ta có thể vừa làm gì đó, vừa “đọc” sách bằng cách nghe sách nói. Cuốn sách đã phẳng theo nghĩa vật lý, thì hành vi “đọc” cũng theo đó mà “phẳng” dần. 

 

Văn chương và những vai trò không thể thay thế được

Cuốn sách đã phẳng là bằng chứng cho thấy sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Cuốn sách đã bị thay thế, hành vi “đọc” cũng đã mang dáng dấp khác; trong bối cảnh này, liệu văn chương có chịu tác động gì không? Hoặc ta có thể hỏi khác đi rằng: Giữa thế giới phẳng hiện nay, liệu có khả năng nào văn chương sẽ bị thay thế bởi một thứ gì đó khác? Liệu có lúc nào văn chương không còn khả năng nuôi dưỡng đời sống tinh thần của con người không?

Hai cô giáo Nguyễn Thị Lâm và Nguyễn Thị Như Nguyện (đều là giáo viên Ngữ văn của trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa), diễn giả của buổi trò chuyện HỌC SINH ĐỌC VĂN TRONG THẾ GIỚI PHẲNG, khi được hỏi hai câu đó, đã khẳng định rằng văn chương không thể bị thay thế, dù cho thế giới có phát triển và thay đổi nhiều đến thế nào. 

Để chứng minh cho điều này, hai diễn giả đã cùng với các bạn học sinh tham dự sự kiện (trong đó có các em lớp 6 và lớp 7 trường THCS Giồng Ông Tố, và các bạn học sinh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa) kể ra nhiều tác dụng to lớn của văn chương mà không một thứ gì có thể thay thế được.

 

 

Văn chương giúp vun đắp trí tưởng tượng. Tác dụng đầu tiên mà văn chương có thể mang lại chính là khả năng tưởng tượng. Chỉ bằng ngôn từ mà thôi, nhà văn có khả năng gợi ra một khung cảnh sống động trong tâm trí độc giả. Nhưng điều đáng nói ở đây là khung cảnh ấy rất đa dạng, mỗi độc giả sẽ hình dung ra một cảnh sắc khác nhau. 

Văn chương giúp phát triển khả năng diễn đạt ý tưởng bằng lời và bằng chữ viết. Một thực tế đáng buồn là nhiều học sinh hiện nay có thể nghĩ ra được những ý tưởng độc đáo nhưng các em lại không thể bày tỏ ý tưởng đó một cách trọn vẹn, dù là bằng lời hay bằng chữ viết. Nguyên do phần nhiều là vì các em bị cuốn hút quá nhiều bởi các phương tiện nghe nhìn, ít dành thời gian cho việc đọc văn chương; trong khi các tác phẩm văn chương vốn là một kho ngôn ngữ phong phú, có thể cho các em nhiều chất liệu dùng để diễn đạt những gì đang nghĩ trong đầu. 

Văn chương có thể áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực cuộc sống. Anh Lê Bá Tân cũng đến tham dự buổi trò chuyện và có góp một chia sẻ thú vị về vai trò của văn chương trong cuộc sống. Tuy thế giới ngày nay chuộng các sản phẩm nghe nhìn tức thì hơn thì văn chương vẫn là chất liệu nền tảng để xây dựng nội dung. Với kinh nghiệm 8 năm trong ngành sách cũ, anh chia sẻ muốn đưa hình ảnh tiệm sách cũ đến với độc giả trẻ thì phải dùng đến công nghệ; nhưng muốn sáng tạo nội dung trên các phương tiện truyền thông thì phải cần giỏi văn chương. 

Buổi trò chuyện diễn ra rất sôi nổi vì ngoài phần chia sẻ của hai diễn giả, các em học sinh cũng được cơ hội nói lên những suy nghĩ của mình. Đặc biệt, xen kẽ giữa các nội dung trao đổi, anh Quách Trọng (người dẫn chương trình) đã tạo ra một số trò chơi nhỏ để các em cảm nhận một cách sinh động vai trò của văn chương trong cuộc sống, chẳng hạn như kể chuyện sáng tạo chỉ bằng 3 từ khoá, tóm tắt một tác phẩm yêu thích bằng 3-5 câu văn, diễn đạt một trạng thái cảm xúc bằng nhiều cách khác nhau.

 

Văn chương không chán như ta vẫn nghĩ

Vào cuối buổi trò chuyện, hai diễn giả bằng kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn trong trường đã chia sẻ nhiều cách thức thú vị giúp các em học sinh thêm yêu mến môn Văn, như tìm người đồng hành, lập nhật ký đọc sách, v.v.. Mong rằng sau buổi trò chuyện này, các em học sinh tham dự sự kiện sẽ thấy môn Văn bớt chán hơn phần nào, và có thêm nhiều cách thức để đưa văn chương vào cuộc sống của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp