Lớp học Tối Thứ 5 là hoạt động đào tạo nhân viên định kỳ của Bá Tân Sách. Lớp học này lần đầu tiên được tổ chức với chuỗi nội dung “Thưởng thức việc đọc” vào tháng 7-8/2023, cung cấp các kỹ năng cơ bản giúp thưởng thức một quyển sách.
Lớp học Tối Thứ 5 trong năm 2024 mở đầu với chuỗi 5 buổi “Sơ Lược Về Triết Học” do hai bạn Quách Trọng và Văn Đức hướng dẫn (từ 11/4 đến 09/5/2024).
+ Buổi 1: Dìu vào triết học
+ Buổi 2: Sơ lược về triết học Hy Lạp cổ đại
+ Buổi 3: Sơ lược về triết học Kinh viện và triết học Cận đại
+ Buổi 4: Sơ lược về triết học Cận đại và triết học Hiện đại
+ Buổi 5: Sơ lược về triết học Trung Quốc
Dự kiến sau chuỗi này sẽ có tiếp chuỗi “Sơ Lược Về Lịch Sử”, “Sơ Lược Về Văn Chương” và “Sơ Lược Về Nghệ Thuật”.
Dưới đây là phần tóm tắt nội dung Buổi 1: Dìu vào triết học mà mọi người đã thảo luận.
***
Con người, dù ở thời đại nào và ở bất cứ đâu, cũng đều luôn đặt ra những câu hỏi về bản chất của chính mình và của vũ trụ. Những câu hỏi đó có thể là: Tôi là ai? Tôi sống trên đời này có ý nghĩa gì? Sau khi chết tôi sẽ thế nào? Vũ trụ này được sinh ra thế nào và sẽ đi về đâu?
Việc con người hằng đặt ra những câu hỏi như thế cho thấy con người khác hẳn mọi sinh vật khác ở chỗ con người có khả năng suy tư. Pascal nói: “Con người là cây sậy biết suy tư”. Thần thoại Hy Lạp cũng kể cho ta nghe câu chuyện tương tự về khả năng suy tư của con người. Thần Prometheus đã ban tặng khả năng đó cho con người, làm cho con người khác hẳn với mọi sinh loài và đứng ngang hàng với các vị thần.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả những gì ta có thể biết và nên biết về khả năng của con người. Bên cạnh việc suy tư, con người còn có thể ham muốn. Những câu hỏi hằng làm nhân loại đau đáu cũng khởi phát đi từ việc con người muốn biết chính mình và thế giới. Nói cho chính xác hơn, con người muốn biết nên con người đặt câu hỏi, và để tìm câu trả lời, con người suy tư.
Chính từ hai khả năng riêng biệt ấy của con người mà triết học được khai sinh. Người ta có thể tranh cãi nhau về định nghĩa triết học, nhưng sẽ không bao giờ phủ nhận triết học đã được khai sinh như thế. Nói như thế cũng là khẳng định, tự bản chất, con người có thể làm triết học (philosophize).
Nhưng đối tượng của triết học là gì? Thưa, đó chính là con người và mọi chiều kích hiện sinh của con người xét trong tương quan với chính nó và với các đối tượng khác (cụ thể là với vũ trụ và với giới siêu việt). Càng hiểu biết bản thân và thế giới, con người càng khôn ngoan hơn, càng tiệm cận chân lý hơn. Triết học tồn tại cũng là vì mục đích ấy.
TÀI LIỆU ĐỌC THÊM:
1. Karl Jaspers. Triết học nhập môn. Lê Tô Nghiêm dịch. Ca Dao, 1974.
2. Jean Francois Lyotar. Vì sao lại làm triết học?. Phạm Anh Tuấn dịch. NXB Hội Nhà Văn & Sách Thật, 2022.
3. Bertrand Russell. Lịch sử triết học phương Tây (Bộ 3 cuốn). Hồ Hồng Đăng dịch. NXB Thế Giới & Nhã Nam, 2023.
4. Will Durant. Câu chuyện triết học. Hoàng Đức Long dịch. NXB Thế Giới & Nhã Nam, 2022.
5. Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách Gia Chư Tử: Các môn phái triết học dưới thời Xuân Thu Chiến Quốc. NXB Hồng Đức & Nhã Nam, 2023.
6. Phùng Hữu Lan. Lịch sử triết học Trung Quốc (Bộ 2 cuốn). Lê Anh Minh dịch. NXB Tổng hợp TP.HCM & Ngọc Trâm, 2023.
7. Dương Lập Hoa. Mười lăm bài giảng về triết học Trung Quốc. Bùi Bá Quân, Hoàng Minh Quân, Lê Đình Sơn dịch. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2023.
8. Johannes Hirschberger. Lịch sử triết học (Bộ 2 cuốn). Bùi Văn Nam Sơn chủ trương và tập thể dịch giả. NXB Tri Thức & Thời Đại, 2020.
9. Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử triết học phương Đông. NXB Hồng Đức & Văn Lang, 2020.
10. Will Durant. Triết học và vấn đề xã hội. Phạm Viêm Phương dịch. NXB Tri Thức & Khai Tâm, 2020.